NỘI DUNG BÀI VIẾT
Sau khoảng 6 năm sinh sống và làm việc ở Nhật, em có một số so sánh nhỏ về sự khác nhau giữa cách làm việc của người Nhật và người Việt. So sánh này có mang tính chủ quan của bản thân và tham khảo một số bài viết khác.
Lập kế hoạch
Đầu tiên, em thấy sự khác nhau đó là người Nhật khi làm việc, hay bất kỳ làm chuyện gì trong cuộc sống cũng thường rất hay lập kế hoạch cụ thể và luôn tuân thủ theo kế hoạch đó để tiến hành công việc.
Ví dụ, ngay cả việc đi chơi, họ cũng lên plan cụ thể: từ mấy giờ đến mấy giờ, đi đâu, làm gì…Việc lên kế hoạch chi tiết là điều cần thiết trong cuộc sống, giúp cho chúng ta quản lý mọi việc một cách dễ dàng những cũng có nhược điểm là, khi có thay đổi gấp, hay thay đổi trong khoảng thời gian không có thời hạn thì họ thườnglúng túng và khó quyết định.
Trong khi đó, nếu so sánh sẽ thấy người Việt Nam khá nhanh nhạy trong việc thích ứng nếu có sự thay đổi. Có nhiều thay đổi liên tục như kiểu người Nhật sẽ nghĩ :”Tại sao bây giờ mới nói?”, thì điều này với người Việt lại có thể đối ứng một cách dễ dàng.
Thay vào đó, người Việt lại luôn có xu hướng bắt đầu công việc ở mức sát deadline. Ví dụ như cho cùng một công việc, cùng kỳ hạn trong vòng hai tuần phải hoàn thành, thì người Nhật sẽ làm xong công việc đó trong vòng một tuần đầu tiên, tuần tiếp theo là dành cho việc chỉnh sửa và hoàn thiện.
Còn người Việt sẽ không hoàn thành công việc đó trong tuần đầu mà cố gắng hết sức ở tuần cuối. Kể cả khi có vấn đề phát sinh, họ sẵn sàng thức đêm để hoàn thành công việc.
Quan hệ xã giao
Tiếp theo, trong mối quan hệ đồng nghiệp, xã giao. Người Nhật có xu hướng tránh làm mất lòng người khác, người Nhật hiếm khi nói “không” với người không thân thiết. Thay vào đó, họ thường nói vòng vo và mong muốn nhận được sự thấu hiểu của đối phương khi giao tiếp. Họ không bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình rõ ràng mà luôn giữ cảm xúc đó ở một giới hạn rất mơ hồ. Do vậy không phải dễ dàng để biết được liệu đối phương đang nghĩ gì, cảm nhận như thể nào.
Ví dụ, khi được rủ đi xem phim mà không thể đi, họ thường thể hiện ý muốn đi nhưng sau đó sẽ đưa ra những lí do khách quan, thậm chí không đưa ra một lý do cụ thể nào hết bằng cách nói lấp lửng .
Còn ở Việt Nam, đa số người ta sẽ nói ra vấn đề của mình rằng có việc bận, hoặc thậm chí nói thẳng là không muốn đi vì một lí do nào đó. Đối với tư duy người Việt, nói thẳng ra vấn đề chính là cách minh chứng cho sự thành thật của mình đối với đối phương.
Vấn đề xã hội
Tiếp theo, là vấn đề của xã hội Nhật, khi mà người phụ nữ rất ít đi làm và dù đi làm cũng rất khó lên được địa vị chức vụ cao như nam giới. Dù những năm gần đây phụ nữ Nhật bắt đầu đi làm nhiều hơn trước, nhưng tỉ lệ này hiện nay cũng rất ít. Trung bình chỉ 10% phụ nữ làm quản lí ở Nhật, thấp hơn các nước phát triển khác và chắc chắn thấp hơn Việt Nam. Nhiều phụ nữ Nhật học cao, vào công ty tốt với mục đích lấy được những anh chồng học cao, làm ở công ty tốt, sau khi kết hôn thì nghỉ làm. Đây là một sự lãng phí nguồn lực lao động. Cùng với việc hô hào thu hút lao động chất lượng cao nước ngoài vào Nhật để bù đắp cho sự giảm dân số lao động, Nhật nên tạo điều kiện hơn nữa cho những phụ nữ đi làm như nam giới.
Giờ giấc
Và một điều dễ nhận thấy là người Nhật rất đúng giờ – đó là nhận định mà hầu hết người nước ngoài đưa ra khi tiếp xúc với người Nhật, với văn hoá Nhật. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi đối chiếu lịch trình giờ tàu chạy với điểm thời gian thực tế mà tàu đến ga, hoặc khi sắp xếp một cuộc hẹn với người Nhật và luôn thấy họ đến trước giờ hẹn ít nhất 5 phút. Thói quen đó ăn sâu vào mỗi cá nhân và dần trở thành một quy tắc ngầm, một ý thức cơ bản. Người Nhật luôn tránh làm phiền người khác. Do vậy tới trễ hẹn được coi là hành vi thiếu lịch sự, làm tổn hại tới người khác. Việc đúng giờ là điều nên làm trong mọi tình huống. Vì thế mà ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh tượng nhân viên công ty chạy vội cho kịp giờ làm, cảnh bước chân vội vã trên khắp các đường phố.
Trong khi đó, ý thức tuân thủ nguyên tắc về thời gian ở Việt Nam dường như chưa được đề cao đúng mức. Việc trễ hẹn năm bảy phút là chuyện thường tình. Và cũng chẳng mấy ai phàn nàn về điều đó bởi nó đã ăn sâu vào nếp sống. Và sự cố gắng để thay đổi một hành vi mà cả xã hội chấp nhận dường như không mấy được lưu tâm.
Nổi bật không phải lúc nào cũng tốt
“Điều Nhật khác Việt Nam” tiếp theo này rất đặc biệt. Đó là ở Nhật, việc nổi bật không phải lúc nào cũng tốt.Từ mẫu giáo đến hết cấp 3 học sinh có đồng phục- trăm người như một để tránh nổi bật và học sinh không mất thời gian chú ý đến ngoại hình, khi đi xin việc mọi người cũng mặc cùng 1 kiểu vest đen, đi cùng một kiểu giầy, chải cùng 1 kiểu tóc để tránh thu hút sự chú ý của người phỏng vấn bằng ngoại hình. Để sống hoà hợp ở Nhật khả năng cần thiết là phải biết “đọc không khí” – khả năng hoà nhập và đôi khi là phải cố hùa theo xung quanh mệt mỏi. Công ty Nhật đề cao khả năng chia sẻ kiến thức, giúp đỡ người khác cùng phát triển, chứ không đề cao một tài năng sáng chói lẻ tẻ.
Còn ở Việt Nam, nếu không nổi bật chúng ta khó làm được gì cả. Tư tưởng cá nhân của người Việt cũng mạnh mẽ và chi phối nhiều hoạt động. Bạn giỏi thì bạn phải giữ cái giỏi đấy cho mình, nếu bạn chia sẻ kiến thức hay cho người khác rất có thể họ sẽ giỏi hơn bạn và vị thế của bạn bị đe doạ. Đây là sự thực mà các công ty Nhật ở Việt Nam rất khó thay đổi khi họ muốn các nhân viên của mình truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức cho nhau để cùng có 1 tập thể lớn mạnh.
Tạm kết lại, vậy phong cách làm việc ở đâu tốt hơn? Điều này thật khó nhận xét. Chỉ biết rằng, văn hóa, thói quen ở mỗi dân tộc, đất nước là khác nhau nên sẽ có những suy nghĩ khác nhau. Cái chúng ta cần là học hỏi những điều tốt của nhau, tránh những điều chưa tốt, để xã hội luôn luôn phát triển.
Nguồn: https://viblo.asia/p/nguoi-nhat-va-nguoi-viet-su-khac-nhau-ve-van-hoa-lam-viec-qzaGzLZqkyO
Tham khảo khóa học lập trình web 6 tháng, đảm bảo 100% công việc đầu ra!