Lập trình viên và cách học ngoại ngữ (Phần 3)

Nghe radio bằng Tiếng Anh

Có nhiều app và website để nghe radio trực tuyến. Ví dụ:
TuneInShoutcast

Mình thì toàn vào Tunein thôi. Thực chất cũng như nhau, đều là cào lại từ các nguồn radio. Khi vào đó rồi bạn có thể search các radio thuộc các chủ đề mà bạn thích. Mình thì hay vào nghe nói về lập trình, nên mình search chữ “code”, “programming”, “developer”…

Các kênh mình hay nghe là Codeish, Coding blocks, Stuff you should know, WTF with Marc Maron, ID10T with Chris Hardwick… cái này tùy sở thích nha.

Phải thật lì

Không được sợ hãi, sợ sai. Mấy đứa bảng cửu chương còn không thuộc nó vẫn Google Translate để tán trai tây kiếm thẻ xanh ầm ầm kìa, các lập trình viên thông minh có gì phải sợ? Nếu bị người khác sửa lỗi đừng cáu kỉnh hay tự ti vì ai giỏi cũng đã từng ngu. Đau mới thấm. Hơn nữa bạn giỏi hay dốt cũng chẳng ai quan tâm vì người ta chỉ quan tâm đến chính họ thôi.

Thu âm giọng mình lại xem dở cỡ nào

Nếu mới học, có lẽ bạn không biết phát âm thế nào là đúng chuẩn, nhưng sẽ biết thế nào là sai. Thật ra phát âm chuẩn quá thì cũng không bắt buộc, nhưng mà nên hướng đến càng chuẩn càng tốt. Tất nhiên miễn người khác nghe mà hiểu được là được rồi, nhưng phát âm chuẩn sẽ khiến bạn trở nên chuyên nghiệp hơn rất nhiều.

Khi thu âm, nghe lại giọng mình nói, công nhận sởn tóc gáy vì ngoài đời nghe giọng mình cũng OK, mà sao ghi âm nghe phát âm thật là “hãm”. Lúc đó bạn đừng buồn hay dị ứng quá. Không đối chiếu thì làm sao mà biết được mình dở tới đâu. Cũng không ai giúp bạn 24/7 để chỉnh phát âm cho bạn được. Mở Google ra xem nó đọc khác mình đọc chỗ nào. Đương nhiên là ban đầu không bắt chước theo giống ngay được đâu, nhưng cứ làm nhiều lên.

Khi xem phim thấy có câu thoại hay cũng nên ghi âm lại giọng mình đọc, thi thoảng mở ra nghe rả rả.

Có trách nhiệm với những gì mình viết ra

Có những lỗi sai cơ bản rất đơn giản và không yêu cầu cao siêu gì thì tránh mắc. Khi viết nói chuyện với người khác hay ngay cả viết linh tinh lên facebook cũng phải tự soát lỗi để tránh thành thói quen xấu khó bỏ. Học hành từ mới cấu trúc… đao to búa lớn làm gì khi mà chính những thứ nhỏ nhặt mới là thứ thể hiện trình độ của bạn:

  • yesterday i go toilet 6 time a day
  • she like me
  • but i only want love man

Có cụm từ nào mà bạn không dám đảm bảo là đúng (chưa viết quen, chưa kiểm nghiệm) thì Google xem viết như thế là đúng hay sai, bằng cách cho cụm từ đó vào trong ngoặc kép. Nếu thấy không ai hoặc ít ai nói thế, không có kết quả nào từ bài báo chính thức nào, tức là sai rồi viết lại thôi. Khi google cụm từ đừng nhét cả câu dài ngoằng vào, kiếm đâu ra kết quả, tách ra, google từng cụm một thôi.

Lời gửi gắm

Ngày xưa thì mình không tin là một người không đi học trung tâm, chưa bao giờ ra nước ngoài, lại có thể có Tiếng Anh trơn tru. Một người em mình quen trên mạng đã chứng minh cho mình điều đó là sai, em ấy mới 17 tuổi, đi học trường bình thường ở HN, nhưng đọc rất nhiều sách, và có trình độ Tiếng Anh chuẩn nhất mình từng gặp hồi đó. Lúc đầu mình không tin nhưng rồi mình cũng chăm chỉ đọc và nghe, rồi thấy bản thân khá lên rất nhiều, nên giờ chia sẻ lại chút quan điểm thôi, chỉ mong giúp ích cho những bạn hoang mang như mình ngày xưa.

Và cuối cùng mình có lời gửi gắm là ai đang đọc bài này và đã đọc tới đây rồi thì đừng kipalog, đừng bookmark, đừng save, đừng share mà hãy học luôn đi! dành vài phút nghĩ lại về bản thân, về kế hoạch học trong tương lai ngay từ giờ phút này đi! Ngày mai không bao giờ đến cả! Không phải bây giờ thì lại đợi đến bao giờ? Bài này có quá nhiều thứ và chắc chắn bạn chỉ áp dụng được một phần nào đó, phần đó là phần nào, hãy làm luôn và đề ra lịch trình cho bản thân đi!

Tham khảo khóa học lập trình web 6 tháng, đảm bảo 100% công việc đầu ra!

Nguồn: https://kipalog.com/posts/Cach-hoc-DOT-tieng-Anh-cho-lap-trinh-vien

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published.