Đôi điều về “nghề nghiệp” trong ngành Công nghệ Thông tin (1)

Ngành CNTT (IT- Informatic Technology) trong khoảng chục năm trở lại đây luôn là một trong những ngành “hot” nhất trong thị trường lao động Việt Nam và thế giới. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang bắt đầu bùng nổ, ngành IT càng trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Bài viết nhằm chia sẻ một số nhận định cá nhân về nghề nghiệp trong CNTT, cũng như dự đoán xu hướng các ngành nghề trong tương lai không xa và các kỹ năng, kiến thức cần thiết cho một vị trí tốt trong một số ngành “hot”. Nội dung bài viết chủ yếu chia sẻ nhận định chủ quan, trải nghiệm cá nhân của mình sau hơn mười năm làm trong ngành công nghệ thông tin. Trong quá trình làm việc, mình đã tham gia và làm đối tác của khá nhiều công ty lớn nhỏ trong và ngoài nước, chứng kiến nhiều sự thay đổi trong công nghệ, thị trường nhân sự, việc làm, cũng như cách thức tổ chức, vận hành, văn hoá doanh nghiệp của nhiều công ty, tổ chức trong ngành.

Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là CNTT là một ngành rất rộng, công việc rất đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Có những việc lặp lại, ổn định, có thể học rất nhanh và không cần đào tạo bài bản (cài đặt máy móc, sửa chữa máy tính cơ bản, lắp đặt phòng máy, mạng, tư vấn sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật sản phẩm, hotline chăm sóc khách hàng…), và có những công việc cần đào tạo bài bản và/hoặc dài hạn hơn, và yêu cầu nhiều chất xám hơn nhiều hơn như lập trình viên, kiến trúc sư hệ thống, chuyên viên phân tích nghiệp vụ, kiểm thử viên, quản trị mạng, phân tích, xử lý dữ liệu… Bài viết này tập trung nói về nhóm ngành thứ hai.

Thách thức trong ngành CNTT

Là ngành “hot” trong thị trường lao động, ngành CNTT thu hút số lượng lớn các sinh viên tham gia học, nhiều trường đại học vốn không liên quan đến IT cũng đã mở ra các khoa mới, liên quan đến IT trong lĩnh vực chuyên ngàng chính của trường, hoặc thậm chí cả các khoa chuyên biệt về CNTT vốn chưa bao giờ là thế mạnh của trường như mạng máy tính hay công nghệ phần mềm… Điều này có thể là đúng, để đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo duy trì số lượng / thu hút sinh viên. Tuy nhiên, cũng phải nói là chất lượng đầu ra sinh viên CNTT trong nước nhìn chung đang ở mức độ dưới trung bình, phần đông là chưa đáp ứng được nhu cầu công công việc. Sinh viên ra trường rất đông, không tìm được việc làm hoặc làm trái ngành rất nhiều, nhưng các công ty CNTT đều luôn thiếu nhân sự. Cá nhân mình đã từng phỏng vấn đầu vào không dưới 200 bạn sinh viên ra trường và những người đã đi làm (sau khi đã lọc kỹ hồ sơ), thì tỷ lệ trúng tuyển là tương đối thấp. Và trong số trúng tuyển thì phần đông vẫn là từ các trường Bách Khoa, Công Nghệ, Bưu Chính Viễn Thông, FPT và các trường nước ngoài. Rất nhiều bạn trong số đó đã có thành tích học tập các cấp rất tốt, học chuyên ban từ phổ thông, hay là top ở các trường phổ thông, đại học, rất nhiều bạn đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh, sinh viên giỏi và nghiên cứu khoa học các cấp.

Có thể thấy ngành CNTT là ngành có yêu cầu khá cao về cả thái độ, kiến thức, kỹ năng. Điều này bởi nhiều lý do:

  • Bản thân ngành CNTT là mới (so với rất nhiều ngành khác), lại rất rộng, yêu cầu nhiều kiến thức nền tảng nhưng lại được trang bị khá muộn trong các trường phổ thông.
  • Công nghệ phát triển chóng mặt, thay đổi liên tục, khiến người làm CNTT nếu không liên tục nghiên cứu, học hỏi, thích ứng thay đổi thì sẽ sớm bị đào thải nhanh chóng.
  • Mức độ cạnh tranh cao và không phân biệt tuổi tác. Do sự thay đổi hàng ngày của công nghệ, yếu tố kinh nghiệm trong CNTT thường mờ nhạt hơn rất nhiều so với các ngành khác. Một sinh viên giỏi mới ra trường làm 1–2 năm với công nghệ hiện đại có thể dễ dàng vượt qua cả về năng suất lẫn chất lượng công việc so với một người với hàng chục năm kinh nghiệm nếu không chịu cập nhật công nghệ thường xuyên. Phải nói thêm, việc “cập nhật công nghệ” ở đây là để làm việc, tức là học nghề để áp dụng vào công việc, chứ không phải đơn thuần là cập nhật tin tức về công nghệ qua báo chí, truyền hình một cách giải trí.

Tham khảo khóa học lập trình web 6 tháng, đảm bảo 100% công việc đầu ra!

Nguồn: https://topdev.vn/blog/doi-dieu-ve-nghe-nghiep-trong-nganh-cong-nghe-thong-tin/

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published.

TÀI LIỆU DEV WORLD
Cẩm nang phát triển bền vững với nghề lập trình!