Những Điều Cần Lưu Ý Khi Đi Thực Tập Tại Doanh Nghiệp (1)

Trong bài viết này mình muốn chia sẻ với các bạn đôi chút về kinh nghiệm thực tập của cá nhân mình. Vì mình học IT nên những chia sẻ của mình chủ yếu nói về vị trí thực tập sinh tại các công ty công nghệ thôi nha các bạn.

Các bạn học ngành khác cũng có thể tham khảo vì những gì mình chia sẻ cũng là những điều rất chung, không chỉ các bạn học IT mới áp dụng được thôi đâu.

Và tất nhiên rồi, đã là kinh nghiệm thì nó mang tính cá nhân nên không thể nào đúng với tất cả mọi người được.

Vậy nên, mình hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn có thêm những góc nhìn mới hoặc là những kiến thức mới để các bạn chuẩn bị tốt hơn cho chính mình. Cứ đọc thử xem biết đâu đấy nó lại giúp được gì cho cuộc đời của bạn.

#1. Nên đi thực tập khi nào?

Thực ra, không ai quy định điều này cả. Tùy thuộc vào năng lực và sự hiểu biết mà bạn có thể có thể tham gia thực tập sớm hay muộn.

Ngày nay, việc tiếp cận với các kiến thức công nghệ không chỉ giới hạn ở trong các trường đại học, cao đẳng. Mà bạn còn có thể học ở bất cứ đâu, miễn là bạn đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng thì bạn hoàn toàn có cơ hội trúng tuyển.

Quay lại với câu hỏi “Nên đi thực tập khi nào?”. Ở đây mình sẽ tập trung vào đối tượng là các bạn sinh viên đại học, cao đẳng.

Thông thường, chương trình đại học sẽ kéo dài khoảng 4-5 năm, cao đẳng thì khoảng 2.5-3 năm.

Với các bạn sinh viên thì cuối năm 3 là thời điểm thích hợp nhất để tìm một vị trí thực tập. Tại sao mình lại nói như vậy ư?

Cũng đơn giản thôi, vì sau 3 năm học ít nhiều bạn cũng tích lũy được kinh nghiệm về chuyên môn, cũng sắp ra trường và đặc biệt là thời gian học trên trường cũng có phần ít hơn so với những năm đầu.

Theo mình, các bạn không nên đi thực tập quá sớm vì có thể rơi vào tình trạng chán học, bỏ học để đi làm. Thứ hai nữa là những năm đầu thường học khá nhiều, kiến thức của các bạn cũng chưa nhiều nên dễ dẫn đến tình trạng quá tải nếu vừa học vừa làm.

Thực tập thực sự là một cơ hội tuyệt vời, cũng như là khoảng thời gian mà các bạn nên tận dụng để tích lũy kinh nghiệm thực tế, tạo tiền đề để khi ra trường các bạn không bị bỡ ngỡ, không bị rơi vào tình trạng thất nghiệp vì không làm được việc.

Kết luận lại phầnnày, mình khuyên các bạn nên đi thực tập, không cần quá sớm (khoảng cuối năm 3 hoặc giữa năm 4) là hợp lý. Vừa để tích lũy kinh nghiệm vừa để quen với môi trường doanh nghiệp, sẽ rất tốt cho công việc của bạn sau này.

#2. Nên chọn doanh nghiệp lớn hay nhỏ, vừa?

Với những ngành học khác thì mình cũng không rõ và không chắc chắn, nên mình xin phép chỉ chia sẻ với các bạn đang theo học trong ngành IT thôi ha.

Trước khi đưa ra lựa chọn thì mình muốn các bạn tự đặt ra câu hỏi. Doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ thì khác nhau như thế nào?

Thực ra có rất nhiều điểm khác nhau nhưng mình muốn đề cập đến hai khác biệt lớn nhất của nó, đó là quy trình làm việc và công việc phải làm.

Doanh nghiệp lớn thường sẽ có quy trình rất rõ ràng. Các công việc được phân chia rõ ràng xuống từng phòng bạn.

Nếu làm việc cho doanh nghiệp lớn thì bạn thường chỉ làm một phần trong quy trình làm ra sản phẩm mà thôi. Chính vì thế, nếu như làm việc lâu năm tại đây thì bạn thường sẽ có chuyên môn cao tại một vị trí nào đó.

Ngược lại, doanh nghiệp nhỏ tuy cũng có quy trình làm việc nhưng do vấn đề về tài chính và nhân lực không thể được như các doanh nghiệp lớn nên bạn thường phải đảm đương nhiều công việc một lúc.

Vậy một câu hỏi đặt ra là nên chọn doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp vừa và nhỏ để thực tập? Để trả lời câu hỏi này thì các bạn hãy quay lại hỏi xem mục đích các bạn đi thực tập là để làm gì?

Nếu các bạn muốn làm nhiều, biết nhiều chịu được áp lực và luôn sẵn sàng thay đổi, học hỏi thì chọn doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phù hợp hơn.

Còn nếu bạn muốn tìm một vị trí để trau dồi chuyên môn thật vững, ổn định thì có thể xem xét chọn một doanh nghiệp lớn để làm việc.

Trên đây là phần 1 của series “Những điều cần lưu ý khi đi thực tập tại doanh nghiệp”. Các bạn hãy đón xem phần 2 nhé.

Tham khảo khóa học lập trình web 6 tháng, đảm bảo 100% công việc đầu ra!

Nguồn: https://blogchiasekienthuc.com/ky-nang/nhung-luu-y-khi-di-thuc-tap-tai-doanh-nghiep.html

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published.

TÀI LIỆU DEV WORLD
Cẩm nang phát triển bền vững với nghề lập trình!