NỘI DUNG BÀI VIẾT
Phỏng vấn là bước đầu tiên để bạn bắt đầu xây dựng sự nghiệp của mình. Trong khi việc thành công sẽ giúp bạn mở ra cánh cửa vô cùng tươi sáng ở thời điểm hiện tại hoặc là bước đệm đầu tiên cho tương lai sau này thì quá trình để đến được đó lại vô cùng gian nan. Chính vì vậy mà rất nhiều bạn sinh viên cảm thấy mình bị áp lực khủng khiếp mỗi khi đi phỏng vấn. Đặc biệt là nếu bạn xin vào vị trí lập trình viên.
Trong những cuộc phỏng vấn xin việc các lập trình viên phải chứng minh được một số kỹ năng cần thiết, không chỉ về mặt chuyên môn.
Để có một cuộc phỏng vấn thành công, lập trình viên nên trang bị cho mình một số kỹ năng sau:
1. Kỹ năng mềm
Hầu hết các Nhà tuyển dụng đều có ấn tượng tốt với các ứng cử viên tự tin và biết cách ứng biến linh hoạt trong các trường hợp cụ thể
- Ngôn ngữ cơ thể
Cơ thể truyền tải nhiều thông tin cảm xúc hơn bạn nghĩ. Do đó, hãy chú ý đến những cử chỉ tưởng chừng như vô cùng nhỏ nhặt trong lúc trả lời phỏng vấn. Hãy ngồi thẳng lưng và vai, không ngọ nguậy liên tục trên ghế và không nhìn đồng hồ nhiều lần… để tạo ấn tượng tốt nhất với nhà tuyển dụng.
- Thái độ tự tin và thẳng thắn
Bạn cần chuẩn bị một tinh thần thật thoải mái. Mặc dù chúng ta luôn xem trọng cuộc phỏng vấn, nhưng cũng nên xem đây như là một công việc mà mình nên hoàn thành nó một cách nhẹ nhàng. Càng tự tin và thoải mái thì mọi việc sẽ càng dễ dàng hơn.
- Đừng nói “Tôi không biết” hoặc “Tôi không làm được“
Khi gặp một câu hỏi về một vấn đề nào đó mà bạn chưa từng nghe qua, đừng vội trả lời rằng “Tôi không biết” hay “Tôi không làm được” vì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là người kém năng lực. Thay vào đó, hãy nói khéo léo hơn: “Tôi chưa tìm hiểu” hoặc “Tôi sẽ tìm hiểu về vấn đề này” để chứng tỏ bạn là người cầu tiến và ham học hỏi. Đây là một trong những kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc quan trọng mà nhiều người chưa biết.
- Biết cách đặt câu hỏi để tránh thụ động
Suốt buổi phỏng vấn xin việc, bạn đừng trở nên thụ động vì chỉ toàn trả lời những câu hỏi được nhà tuyển dụng đặt ra. Một kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc rất quan trọng mà không phải người xin việc cũng biết đó là biết cách đặt câu hỏi ngược lại. Việc thỉnh thoảng đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng khiến buổi phỏng vấn trở nên nhẹ nhàng hơn, giống như một buổi nói chuyện thân mật chứ không phải là một bài kiểm tra căng thẳng và áp lực. Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng sẽ hài lòng khi biết mức độ quan tâm của bạn đối với công việc trong tương lai là rất cao.
- Sức mạnh của nụ cười
Nụ cười là một trong những cách tốt nhất để chúng ta thể hiện thái độ chân thành và thân thiện. Vì vậy trong cuộc phỏng vấn, hãy tận dụng nụ cười đúng lúc. Không chỉ thể hiện thái độ thân thiện và chân thành, nụ cười còn mang đến một bầu không khí vui vẻ và thoải mái cho cuộc nói chuyện giữa bạn và nhà tuyển dụng.
Trong môi trường siêu cạnh tranh ngày nay, kỹ năng mềm của một lập trình viên gần như quan trọng như kỹ năng cứng.
2. Khả năng giải quyết vấn đề
Trong cuộc phỏng vấn hãy luôn sẵn sàng để mô tả những tình huống bạn từng gặp phải, quá trình bạn giải quyết vấn đề, những kỹ năng bạn đã áp dụng, và kết quả của các hành động này. Nhà tuyển dụng tiềm năng luôn mong muốn được nghe một câu chuyện thật chặt chẽ về việc bạn đã sử dụng kỹ năng giải quyết vấn đề bằng những cách cụ thể nào.
Người phỏng vấn cũng có thể đưa ra ví dụ về một vấn đề có khả năng gặp phải, và yêu cầu bạn trình bày sơ lược những bước cần thực hiện để giải quyết nó. Để chuẩn bị cho điều này, hãy suy nghĩ những vấn đề có thể phát sinh trong công việc và đưa cách giải quyết hợp lý.
3. Tư duy làm sản phẩm
Product mindset (tư duy sản phẩm) là kỹ năng rất quan trọng quyết định sự thành công của một sản phẩm khi nó còn trong trứng nước. Nói một cách dễ hiểu là tư duy làm sản phẩm hướng đến người dùng
“Bạn đã từng tham gia phát triển những sản phẩm nào? Hãy mô tả tổng quan về nó? Hướng phát triển của sản phẩm trong tương lai?”
Đây chắc chắn là câu hỏi khá kinh điển của nhà tuyển dụng khi tham gia phỏng vấn ứng viên. Hầu hết với những Lập trình viên đã có kinh nghiệm một vài năm hay những sinh viên IT mới ra trường đi xin việc thì dường như tư duy về sản phẩm là chưa có. Họ chỉ chăm chăm vào việc hoàn thiện sản phẩm đáp ứng yêu cầu mà khách hàng đưa ra, hay đơn giản là ứng dụng nhiều công nghệ trong quá trình phát triển sản phẩm.
Nếu bạn là một software engineer, bạn sẽ nghĩ rằng “Bạn có thể làm được sản phẩm gì với khả năng và kiến thức hiện tại của bạn?”, “Sản phẩm ấy sẽ giúp ích được gì cho mọi người?”. Nếu bạn là một product engineer, điều đầu tiên bạn nghĩ sẽ là “Bạn sẽ làm được sản phẩm giải quyết bài toán gì cho mọi người?. Sau đó bạn mới nghĩ đến những điều bạn cần học hoặc nghiên cứu để làm được sản phẩm đó. Đó chính là chìa khóa để làm ra một sản phẩm có ý nghĩa và mang đến thành công cho startup – Làm ra sản phẩm để giải quyết bài toán cụ thể chứ không làm ra sản phẩm bị giới hạn bởi năng lực của bản thân và cuối cùng không giải quyết được vấn đề gì.
Vậy nên trong khi trả lời câu hỏi từ Nhà tuyển dụng bạn nên thể hiện được rằng mình là Product Engineer.
4. Vai trò và trách nhiệm trong công việc
Trong quá trình phát triển sản phẩm, bạn tham gia với vị trí gì và phụ trách những công việc như thế nào? Một số khó khăn bạn gặp phải khi làm việc? Bạn đã giải quyết vấn đề này ra sao? …
Đây là những câu hỏi của nhà tuyển dụng để xem bạn đã làm gì và đánh giá mức độ phù hợp với văn hoá của công ty. Trong trường hợp này cần câu trả lời khôn ngoan và ứng biến linh hoạt với những câu hỏi phát sinh từ người phỏng vấn. Không nhất thiết phải trả lời theo khuôn khổ, ví như: “Em sẽ cố gắng để hoàn thành công việc mà leader giao cho” dù có không thích, …, mà đôi khi cùng một ý nghĩa, nhưng bạn có thể biến đổi câu trả lời khác đi thì người phỏng vấn cũng cảm thấy hài lòng.
5. Chuẩn bị kiến thức
Sự chuẩn bị kỹ càng về kiến thức là điều kiện tiên quyết trước khi tham gia phỏng vấn:
- Kiến thức chuyên môn về ngôn ngữ và công nghệ
- Cấu trúc dữ kiệu và giải thuật
- Lập trình hướng dối tượng
- Luồng dữ liệu
- Cơ sở dữ liệu
- Một số kiến thức khác cho vị trí tuyển dụng
6. Tư duy độc lập
Khi trình bày với một câu hỏi như “Làm thế nào bạn sẽ triển khai một ứng dụng mới trong toàn công ty, sử dụng cả hai dịch vụ đám mây công cộng và tư nhân?”. Thường nó ám chỉ việc nhà tuyển dụng đang tìm cách để hiểu những gì bạn đã thực hiện và làm thế nào bạn vượt qua những thách thức của nó.
Nhà tuyển dụng cũng có thể đưa ra một vài câu đố toán học hoặc trêu ghẹo các ứng viên để đánh giá một cách nhanh chóng việc họ có thể suy nghĩ thấu đáo một vấn đề bất thường hay không.
Tham khảo khóa học lập trình web 6 tháng, đảm bảo 100% công việc đầu ra!