Tìm Lại Động Lực Khi Tự Học Lập Trình

Không ai nói rằng học lập trình là một con đường dễ dàng, vì vậy làm thế nào để bản thân có đủ động lực để theo đuổi con đường này đến cùng? Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm để bản thân luôn giữ được “lửa” khi tự học lập trình.

1. Luôn nhớ mục đích của mình là gì

Bạn đã bao giờ dành vài phút để thực sự nghĩ về mục tiêu học code của bạn là gì? Vì bạn muốn tìm một công việc ổn định lương cao, vì đam mê hay vì những mục tiêu to lớn hơn của cá nhân như mở một start up riêng? Dù là gì đi nữa, chúng cũng sẽ góp một phần lớn vào việc truyền thêm động lực cho bạn. Giống như ai đó đã từng nói: “Nếu bạn muốn bỏ cuộc, hãy nghĩ lại lý do vì sao bạn bắt đầu.”

Một khi đã tìm ra mục tiêu của mình là gì, hãy viết nó ra một tờ giấy note và dán nó vào nơi bạn có thể thấy thường xuyên. Nghe có vẻ cổ lỗ sĩ, nhưng nó sẽ giúp nhắc nhở bạn về các mục tiêu và khiến bạn muốn hành động ngay khi nhìn thấy chúng. 

Bây giờ hãy dừng lại một chút và trả lời với bản thân câu hỏi: Mục đích học lập trình của bạn là gì?

Có một lưu ý nho nhỏ, hãy trung thực và thực tế với mục tiêu của mình. Bởi vì nản lòng thường xảy ra khi kỳ vọng của bạn không phù hợp với thực tế. Ví dụ, nếu bạn học code với suy nghĩ rằng bạn sẽ chuyển từ người chưa biết gì thành một nhà phát triển web chuyên nghiệp trong vài tháng, bạn có thể đang tự đặt ra thất bại cho chính bản thân.

Mọi người sẽ có tốc độ tiến lên của riêng họ, hãy thử đánh giá xem tiến trình của bạn đang diễn ra như thế nào và đưa ra những mục tiêu thực tế cho riêng bạn.

2. Dục tốc bất đạt

Khi mới bắt đầu, bạn sẽ có xu hướng dành hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày để vùi đầu vào học bởi vì lúc đó bạn đang cực kì hưng phấn và hy vọng bản thân có thể hoàn thành mục tiêu thật nhanh. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, sau một thời gian bạn nhận ra có quá nhiều kiến thức không chỉ ngày một ngày hai là bạn có thể nắm được, điều này khiến bạn rơi vàng trạng thái kiệt sức và chán nản.

Vậy thì thay vì muốn đi thật nhanh để rồi nhanh chóng bỏ cuộc giữa chừng, hãy duy trì việc học của bạn thường xuyên và đều đặn bằng cách phân bổ thời gian hợp lý. Ngay cả khi bạn chỉ dành 30 phút mỗi ngày để học, nếu bạn làm điều này trong bảy ngày, bạn sẽ học được 3,5 giờ trong một tuần. Trong một tháng đó sẽ là khoảng 14 giờ, và trong một năm là gần 200 giờ!

Ngay cả những nỗ lực nhỏ, khi được duy trì thường xuyên, có thể dẫn đến những thành tựu lớn.

3. Tìm cho mình một cộng đồng dạy và học lập trình

Một trong những bất lợi của những bạn tự học lập trình là luôn cảm thấy đơn độc. Bạn phải tự tìm tài liệu, tự đặt câu hỏi và mày mò câu trả lời cho bản thân mà không có ai để hỏi và nói chuyện về cùng chủ đề. Vì vậy tham gia vào một cộng đồng nơi mà có những người có kinh nghiệm hoặc những người cũng đang vật lộn với những vấn đề tương tự như bạn sẽ mang ý nghĩa khích lệ và thúc đẩy bạn rất nhiều. 

Dưới đây là một vài gợi ý về các cộng đồng lập trình cho bạn:

  • Stack Overflow: trang web nổi tiếng nơi mà các kĩ sư có thể đặt câu hỏi và tìm lời giải đáp cũng như chia sẻ những thông tin liên quan đến lập trình. Stack Overflow không đơn thuần chỉ là một nơi người ta tìm đến khi họ bế tắc mà còn muốn nó trở thành một địa chỉ nơi họ có thể tìm thấy những tài liệu, thông tin hữu ích, giúp họ giải đáp những thắc mắc trước khi họ phải hỏi và chờ đợi câu trả lời.
  • Dev.to: diễn đàn tin nhắn trực tuyến hoạt động rất sôi nổi cho các lập trình viên trên toàn thế giớ, nơi bạn có thể tìm thấy các thảo luận về nhiều vấn đề công nghệ thông tin cũng như các tips trong công việc
  • Codelearn.io: không chỉ là trang web dạy và học lập trình với các bài học trực tuyến mang tính thực hành cao, bạn còn có thể tham gia vào cộng động những người yêu thích lập trình qua kênh Thảo luận và Chia sẻ để hỏi đáp và nhận được những lời khuyên từ các chuyên gia cũng như những bạn trẻ có cùng đam mê với mình. Một ưu điểm của Codelearn là trang web song ngữ Anh – Việt, phù hợp với những bạn trẻ Việt Nam.

Khi tham gia vào những cộng đồng này đừng chỉ đưa ra các câu hỏi, bạn cũng có thể giúp đỡ và giải đáp thắc mắc của người khác để chung tay giúp các cộng đồng này một phát triển lớn mạnh hơn.

4. Đừng so sánh mình với người khác

Khi học lập trình, hãy cố gắng đừng so sánh bản thân với các lập trình viên khác. Việc quan tâm đến kết quả của người khác giống như một con dao hai lưỡi. Đôi khi việc nhìn vào người khác sẽ là năng lượng để bạn tiếp tục cố gắng, nhưng cũng có những lúc bạn sẽ cảm thấy nản lòng khi thấy người khác nhắc về những kiến thức bạn không biết, hoặc những người xuất phát điểm giống bạn nhưng có vẻ lại đi nhanh hơn ban. 

Thực ra, mỗi người đều có một tốc độ tiến bộ khác nhau. Một số người sẽ có nhiều thời gian hơn bạn, hoặc có thể nhanh hơn trong việc học những điều nhất định. Hay những người khác sẽ có ít thời gian hơn hoặc học chậm hơn bạn. Không ai giỏi hơn ai trong tất cả mọi lĩnh vực cả. Người khác nhanh hay chậm không có bất kỳ ảnh hưởng trực tiếp nào đến bản thân bạn.

Vậy nên đừng lo lắng về quá trình học tập của người khác, hãy lo lắng về việc học của bạn.

5. Luôn cầu thị và giữ tinh thần thoải mái

Trong quá trình học, vì lý do này hay lý do khác, bạn có thể bắt đầu cảm thấy mệt mỏi nếu cứ phải tập trung vào một chủ đề trong một thời gian dài. Hãy thay đổi cách học 1 chút. Nếu bạn đã bỏ qua một hướng dẫn JavaScript và bộ não của bạn bắt đầu cảm thấy bối rối, hãy thử lùi lại một bước: tìm một dự án bất kỳ nào đó về JavaScript và làm thử. Hoặc xem video, đọc một bài viết về một lĩnh vực khác trong lập trình liên quan đến nội dung học của bạn.

Cứ tạo cho mình cảm giác vừa học vừa chơi với chủ đề khác nhau để tạo cảm giác mới mẻ, bạn sẽ thấy tinh thần thoải mái hơn để tiếp nhận những kiến thức mới. Có rất nhiều điều có thể làm như code một trò chơi, tích hợp API, thậm chí chỉ tạo ra các ứng dụng mini “ngớ ngẩn” để giải trí.

Một trong những “kỹ năng sinh tồn” của coder đó là luôn phải học hỏi không ngừng bởi thế giới công nghệ thông tin rộng lớn thay đổi mỗi ngày. Vì vậy hãy giữ cho mình tinh thần cầu thị để có thể học hỏi mọi thứ.

6. Lời kết

Học lập trình không phải là một hành trình dễ dàng, mong rằng những lời khuyên của mình sẽ giúp bạn tìm lại được động lực để theo đuổi con đường mà bạn chọn đến cùng!

Tham khảo khóa học lập trình web 6 tháng, đảm bảo 100% công việc đầu ra!

Nguồn: https://codelearn.io/sharing/tim-lai-dong-luc-khi-tu-hoc-lap-trinh

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published.