Làm Thế Nào Để Trở Thành Coder Vạn Người Mê?

Làm coder đã khổ, chọn nhầm đồng nghiệp còn khổ hơn. Nhiều khi đi làm chỉ mong muốn được thầy yêu bạn mến, ngày có mấy tiếng đàng hoàng ngồi công ty mà ôi thôi sao mà khó. Ông này quái tính, ông kia dở hơi, ông nọ thì nền tính mỗi tội dốt. Mà cái thói nghề code, có bao giờ được riêng ta với ta bao giờ, lúc nào cũng cứ nguyên team 5-7 người cơ.

Cơ mà nghĩ đi nghĩ lại, muốn có một team tử tế thì mình cứ phải thành một người hẳn hoi cái đã, chuẩn bị cho mình một tâm hồn đẹp thì ai mà yêu chả mến đúng không anh em?

Đọc ngay bài này dắt túi bí kíp make-up lại nhân phẩm để trở thành Coder Vạn Người Mê nhé!

Luôn chia sẻ kiến thức của mình

CNTT là ngành nghề luôn thay đổi không ngừng, dù có chăm chỉ cần mẫn thức thời đến mấy cũng chẳng ai có thể thông tuệ mọi thứ trên đời. Bởi thế, chia sẻ kiến thức lẫn nhau chính là cách nhanh nhất để mọi người cùng tiến bộ.

Bạn có thể chia sẻ trong nội bộ team hoặc trên các diễn đàn công nghệ khác: Stackoverflow, Slack, Codelearn… Bằng cách đó, bạn có thể khiến người khác cùng tiến bộ và chắc chắn cũng học hỏi được không ít điều hay ho. Thời gian là hữu hạn, và không chia sẻ kiến thức với người khác bạn sẽ mãi chỉ là con ếch trong cái giếng bé nhỏ của riêng mình.

Giúp đỡ những LTV mới vào nghề

Dĩ nhiên, bạn sẽ không cần phải trở thành sư phụ, mentor hay người hướng dẫn của ai đó. Nhưng giống như bạn đã từng chân ướt chân ráo và bỡ ngỡ với bao nhiêu thứ, những LTV non trẻ cũng thế. Có những kiến thức bạn nghĩ rằng đơn giản nhưng họ lại quên mất hoặc không nắm rõ. Khi đấy, đừng chửi người ta ngu :))). Hoặc nhỡ có chửi thì cũng chửi trong âm thầm thôi và đừng quên chỉ cho họ cách khắc phục. Tốt nhất là chỉ cho họ chỗ để có thể nghiên cứu lại những lỗ hổng đó và để họ tự khắc phục thay vì sửa luôn, vì như thế bạn vừa mất thời gian, dễ gây tính ỷ lại và chẳng giúp người khác tiến bộ lên chút nào.

Cất bớt cái tôi của mình đi

Chấp nhận cái sai của mình và biết được mình thực sự là ai, đứng ở đâu, hạ cái tôi của mình xuống để dám xin lỗi chính là một trong những yếu tố quan trọng để khiến bạn trở thành một đồng nghiệp ai cũng mong muốn làm cùng. Càng ở vị trí cao, bạn càng cần nhận thức rõ ràng điều đó, bởi 1 cái sai cảu người lãnh đạo có thể khiến cả team lao đầu vào ngõ cụt. Nhưng chúng ta ai cũng là người, có lúc đúng lúc sai, chấp nhận nó và chân thành sẻ chia sẽ giúp bạn nhận được sự kính trọng và yêu mến từ tất cả mọi người.

Bạn cũng cần chú ý lắng nghe người khác, để biết được những câu chuyện tâm tư, tình cảm của anh em, tôn trọng quan điểm cá nhân của họ và ngưng phán xét.

Viết code dễ hiểu

Khi đi làm, chắc chắn chuyện chuyên môn sẽ là một yếu tố cực kì quan trọng. Một team 5 người sẽ là 5 cá thể khác nhau, với những hiểu biết và trình độ khác nhau rất nhiều. Chính bởi thế, code tối ưu là tốt nhưng không phải tốt nhất, code dễ đọc, dễ hiểu mới là điều quan trọng.

Trong quá trình code, bạn nên code sạch nhất có thể, thêm vào các comment khi cần thiết để đồng đội có thể bảo trì, sửa chữa mà không gặp khó khăn gì. Viết code ngắn thì hay đấy cũng thể hiện được “đẳng cấp” đấy cơ mà khi cần mó vào thì dễ khiến người khác phát điên lắm.

Chia sẻ những thành công và thất bại cùng nhau

Nên nhớ, các bạn là 1 team, và 1 team thì dù thắng hay thua cũng luôn là 1 team. Đừng để lúc ngon ngọt ta là anh em, khi cay đắng lại ngó lơ hết lượt. Dù thế nào, mỗi người đều có 1 phần trách nhiệm trong dự án, trong công việc chung và góp phần vào kết quả cuối cùng.

Nếu thất bại, hãy cùng nhau giải quyết, cùng nhau động viên và đứng lên. Còn khi thành công, cũng chia sẻ mọi vinh quanh, phần thưởng cùng nhau, đừng giấu diếm mọi thứ cho riêng mình hay trí trá ăn chặn sau lưng đồng nghiệp.

Dám nghĩ – Dám làm

Một coder được săn đón, yêu quý và kính trọng mà một người dám làm những điều họ nghĩ một cách khác biệt (và làm nó tới cùng). Bạn cần có được chỗ đứng và tiếng nói riêng mình thì mới mong có được sự tôn trọng từ những người đồng nghiệp, không ai muốn có một người luôn sợ hãi, thụ động và chẳng thế làm gì trong team.

Bạn cần hiểu được giá trị của những gì mình đang làm và lý do tại sao bạn luôn theo đuổi nó. Đừng ngại đánh bay những ý kiến trái chiều và những lời ra tiếng vào làm bạn nhụt chí. Bởi bạn đang làm những điều mình cho là đúng, và chẳng ai cảm thấy vui vẻ được nếu cứ phải làm những điều mình không đồng tình.

Nghỉ việc? Đừng chỉ đi mà không bàn giao

Sau khi bạn đi, sẽ có người tiếp quản lại những công việc trước đó. Đừng bao giờ trở thành loại người vô trách nhiệm bằng cách cứ thế mà đi, không bàn giao lại đầy đủ công việc của mình.

Bạn nên viết ra mọi điều mình biết về dự án hiện tại. Đó có thể là mật khẩu các loại tài khoản, dữ liệu, giấy tờ, các loại tool bạn đã làm, lịch sử tính năng, lịch sử trò chuyện với khách hàng…

Ngay cả khi nghỉ việc vì ghét sếp, hãy làm điều đó vì những người đồng nghiệp đã kề vai sát cánh suốt bao ngày. Ai mà biết được, nhỡ đâu một ngày nào đó các bạn sẽ lại làm việc cùng nhau thì sao?

Kết luận: Hãy là Người, đừng là Robot!

Một kỹ năng, kiến thức chuyên môn tuyệt vời chắc chắn là một điều cần thiết cho LTV, nhưng đừng quên rằng bạn còn cần làm việc với những người khác nữa. Sẻ chia và giao tiếp là cực kì quan trọng cho thành công của cả team và cũng là cho sự phát triển của riêng bạn!

Tham khảo khóa học lập trình web 6 tháng, đảm bảo 100% công việc đầu ra!

Nguồn: https://codelearn.io/sharing/cach-tro-thanh-coder-van-nguoi-me

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published.