Một Vài Kiểu Lập Trình Viên “Dễ Bị Ghét”

Các lập trình viên là những sinh vật kỳ lạ, những kẻ lập dị và đôi khi là một thứ gì đó để trào phúng trên Voz và MXH (Okey đừng tự ái các ông ơi, đúng là vậy đó, chịu thì chịu mà không chịu thì chịu).

Trong nhiều năm, tôi đã làm việc với khá nhiều LTV từ già đến trẻ, cả nam lẫn nữ, cả thẳng lẫn cong, và dưới đây là một số kiểu LTV đáng sợ và ám ảnh nhất.

1. Lập trình viên của “tương lai”

Tôi mất hai tháng học việc trước khi nhận ra rằng thế giới lập trình tồn tại hai luồng riêng biệt:

  • Những LTV “thực tế”: những người tận dụng tốt nhất những gì họ có
  • Những LTV “tương lai”: những người lúc nào cũng mong được sử dụng những công nghệ mới nhất, tân tiến nhất và xin phép là bỏ quách cái đống cũ xì hiện tại đi

Tất nhiên cả hai thái cực này đều có mạnh và yếu, có lợi và hại – nhưng những người ở loại thứ 2, đôi khi họ quá tôn sùng cái gọi là “tân tiến” và ném gạch vào bất cứ thứ gì có vẻ như đã cũ. Trong mắt họ, một dự án không sử dụng ngôn ngữ ABC, công nghệ XYZ thì đều là đồ bỏ cả, giống như thể cả đội đang cố công xây dựng một thành quách bằng cát trong khi chỉ có duy nhất anh ta nhận ra nó mong manh dễ vỡ đến thế nào. Và ờ, trong mắt họ thì đồng nghiệp thường n-g-u.

Tôi đã từng làm việc với một đồng nghiệp ngày nào cũng bảo người khác: “Mày code ngu bome”. Nói nhiều đến mức đếch ai thèm quan tâm và chỉ coi đó như một cái hắt xì mỗi ngày.

Trên thực tế, không phải lúc nào mới nhất cũng cứ là tốt nhất. Thế giới thì thay đổi mỗi ngày, mỗi giờ và ta chẳng thể nào cứ cố gắng 100% bắt kịp với nó được. Từ lý thuyết đến ứng dụng có một độ trễ rất cao, nên đánh giá một dự án hay một nhóm LTV khác chỉ vì họ không dùng những thứ mới nhất là một điều ngu xuẩn, giống như một anh giàu xổi dùng iPhone 12 chửi anh 11ProMax là thằng nhà quê vậy đó.

Đấy hoàn toàn không phải cách một LTV thực sự bắt kịp và làm chủ công nghệ, anh ta chỉ làm nô lệ cho công nghệ mà thôi.

2. Lập trình viên “bận rộn lười biếng”

Nghe thật kì cục đúng không? Nhưng đúng là thế đấy.

Nhìn những LTV kiểu này, bạn sẽ thấy họ thật bận rộn: Quay chỗ nọ quay chỗ kia, làm cái này làm cái khác, tất tả đi lại, nghe điện thoại check email… Nhưng nếu để liệt kê số lượng task đang đảm nhiệm, chắc họ sẽ mất cả ngày để nghĩ xem mình nên ghi gì vào báo cáo vì thực ra họ chẳng làm gì nhiều lắm đâu J).

Thực ra chúng ta ai cũng có lúc như thế: giả vờ ghi chép trong giờ họp, giả vờ nhìn chăm chú vào màn hình như thể đang tìm bug, giả vờ gõ say sưa những dòng code vô nghĩa nhân lúc sếp đi qua… nhưng thực ra tâm trí thì treo ngược cành cây.

Nhưng kiểu LTV này thì “chuyên nghiệp” hơn, họ có một nhiệm vụ trong đời: Dành thời gian cho công việc càng ít càng tốt mà không bị sa thải. Mỗi khi thực sự làm được cái gì đó, họ sẽ trở nên khác hẳn, khoe không ngớt và cho cả thế giới biết rằng: “Ê tôi đang làm đây này, hiệu quả lắm đây này”. Nếu bạn thắc mắc một đồng nghiệp: “Trông chăm chỉ mà sao k thấy hiệu quả mấy”, thì oke bạn gặp đúng kiểu “Bận rộn lười biếng” rồi đấy.

3. Sếp “không biết gì”

Với tôi, một lãnh đạo tốt nhất là một lãnh đạo thấu hiểu sâu sắc rằng bất chấp họ có tồn tại hay không thì Trái đất vẫn quay, và dù họ có dừng code thì cũng chẳng sao cả, vẫn sẽ có người làm được thay họ. Một lãnh đạo như vậy sẽ vừa có thể giúp bạn trong lĩnh vực chuyên môn, lại có thể đem đến những kinh nghiệm ngoài chuyên môn cần thiết khác, có khả năng thấu hiểu được tình thế và giúp nhân viên tự tin hơn khi làm việc. Tôi cũng đã từng làm việc với những sếp như thế.

Còn ngược lại, đáng sợ nhất chính là người sếp “chỉ biết làm” và người sếp “không biết làm”, mà ở đây thì loại thứ 2 thường tệ hơn hẳn.

Tôi đã từng làm việc dưới quyền một trưởng nhóm, người đã chuyển từ công việc tiếp thị sang lãnh đạo một nhóm các LTV. Đó thực sự là một cơn ác mộng. Khi cấp trên yêu cầu một điều gì đó, chúng tôi sẽ bị mắng mỏ vì không nói những gì chúng tôi không có cách nào biết, hoặc thậm chí nói những điều mà trưởng nhóm không biết. Cả team đã sống trong hoang mang suốt cả tháng trời cho tới khi anh ta bị thay thế.

4. Lập trình viên “chết trong lòng”

Ai rồi cũng có lúc chán việc, nhưng chẳng có gì đáng sợ hơn phải làm cùng một người chỉ đang leo lắt bấu víu vào công việc vì họ biết rằng làm tiếp, nghỉ làm hay nhảy việc cũng không khác gì, chỉ là chuyển đời mình từ bái shit này sang bãi shit khác. Mấy ông LTV cũng thế, không ít người trở thành cái hố đen tiêu cực với thái độ không thể chán đời hơn.

Dĩ nhiên, họ vẫn làm được việc, vẫn hoàn thành task được giao nhưng tất cả với một sự thờ ơ và chán nản vô cùng. Giữa 1 trang giấy trắng, họ chỉ thấy những đốm đen, không ngừng chửi rủa và tự hỏi tại sao mình vẫn phải làm thứ chán ngắt này (Nhưng dứt khoát không nghỉ việc đấy ờ sao nào?).

Làm với những người này, chả chóng thì chày bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng và tiêu cực đi ít nhiều.

5. Lập trình viên “cầu toàn ngớ ngẩn”

Bạn cũng có thể gặp một đồng nghiệp như thế này khá thường xuyên. Đó là một ngưới sẽ nhất định, khăng khăng, chắc chắn phải chọn làm việc với một công nghệ, một framework, một module nhất định chứ dứt khoát không làm cái khác. Một người chỉ viết 1 hàm duy nhất, sửa đi sửa lại, tối ưu lên tối ưu xuống trong khi đồng nghiệp làm hàng tỷ phần khác, nhưng sau đó sẽ hành động như thể chính cái phần “hoàn hảo” kia của mình đã cứu sống cả dự án, đã làm đẹp cả một chương trình.

À còn nữa, cuối cùng họ sẽ ngồi bắt lỗi những phần khác và khăng khăng rằng nếu không sửa hết đi, cả cái dự án này rồi sẽ tan tành thành mây khói… Trong khi chính phần code mà họ phụ trách vẫn còn đầy những bug là bug.

6. Lập trình viên “tinh hoa”

Chính là kiểu thượng-đẳng đó, luôn cho rằng mình ưu việt hơn người khác, là alpha, là người có tố chất. Họ chưa (hoặc không) thành công chẳng qua vì họ không thích thế thôi. Và kiểu này thì rất dễ ăn đấm vì thói hợm hĩnh khó chịu.

Bạn có thể bắt gặp kiểu LTV này khá phổ biến, những người tôn sùng chủ nghĩa danh tiếng của Mac/Win, mà nếu không xài thì hẳn nhiên bạn sẽ là kẻ ngu ngốc, quê mùa và nhà quê trong mắt họ. Họ khăng khăng rằng cái họ đang xài mới là tốt nhất, đỉnh nhất và thích làm bẽ mặt người khác trước đám đông. Kiểu người sẵn sàng vạch mặt và cười hề hề vào một lỗi chẳng to tát lắm của bạn trong khi bạn đang bận thuyết trình cả một dự án quan trọng ấy, đấy, đấm nó đi.

7. Lập trình viên “thích bí mật”

Với những LTV này, đếch bao giờ bạn có được câu trả lời từ họ. Hỏi: Im lặng, nói chuyện: im lặng, yêu cầu 1 vấn đề: im lặng. Họ có thể chỉ cho bạn chỗ này chỗ kia để giải quyết vấn đề nhưng tuyệt nhiên méo bao giờ chịu chủ động làm việc đó.

Làm việc với những LTV như thế này cũng gây ức chế khá nhiều, khi rõ ràng họ biết và có thể giải quyết vấn đề rất nhanh nhưng lại cố tình dông dài và khiến người khác gặp khó khăn. Đã có lần tôi phải nhờ sếp can thiệp để 1 đồng nghiệp chấm dứt tình trạng ậm ừ qua quýt và chủ động giải quyết 1 lỗi nghiêm trọng tiêu tốn cả đống tiền.

Rõ ràng khi làm việc, tính minh bạch và sự thông suốt thông tin là vô cùng quan trọng. Tôi đã khắc phục rất nhiều vấn đề một cách chính xác vì tôi có thể truy cập kho lưu trữ của người khác và xem xét nguồn gốc của lỗi được tham chiếu trong thông báo lỗi. Và các vấn đề của tôi cũng được đồng nghiệp nhìn ra, nhận xét, đánh giá và thấu hiểu rất nhanh thay vì cứ giấu giấu diếm diếm nhau như thể mỗi người đang giữ 1 phần bí mật quốc gia.

Kết luận

Ừ thì chẳng có ai hoàn hảo, tôi biết chứ. Bản thân tôi cũng còn nhiều cái n-g-u thật sự, đồng nghiệp và sếp cũng thường nổi nóng với tôi liên tục. Tôi nghĩ bạn, hay bạn của bạn, hay sếp của bạn, hay bất cứ ai cũng đã từng như thế.

Nhưng hi vọng các ông bỏ chút thời gian đọc qua bài viết này, và ngẫm lại xem liệu mình có thật sự ô cê không để ngày một cải thiện mình hơn nữa. Chuyên môn, nghiệp vụ là một chuyện, nhưng thái độ cũng là thứ quan trọng cực kỳ luôn đấy.

Chúc các ông làm tốt và thành công!

Tham khảo khóa học lập trình web 6 tháng, đảm bảo 100% công việc đầu ra!

Nguồn: https://codelearn.io/sharing/mot-vai-kieu-ltv-de-bi-ghet

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tài liệu + Khóa học lập trình FREE
Tài liệu + Khóa học lập trình FREE

DMCA.com Protection Status