Phat trien phan mem

Phát triển phần mềm: Từ nghiệp dư thành chuyên nghiệp


Phát triển phần mềm: Làm cách nào để chuyển từ nghiệp dư thành chuyên nghiệp?

Khép lại thập kỷ 2010, thế giới đã thay đổi đáng kể, từ chỗ việc sử dụng được máy tính là một kỹ năng cộng thêm thì bây giờ nó trở thành một kỹ năng phải có để làm được bất cứ việc gì. Chuyện viết được phần mềm máy tính, hiểu và viết được code để tự động hóa công việc của mình ở trong một chừng mực nào đó cũng đang tiến trên con đường như vậy. Từ chỗ nó là một kỹ năng cộng thêm, làm vì thích, thì bây giờ nó trở thành một kỹ năng rất nên có, công việc nào cũng cần. Mình nghĩ rằng nhiều bạn đọc các bài viết của mình là những người thích máy tính, và đang (hoặc có ý định) viết phần mềm. Nhiều người có thể ít nhất là viết code, làm web, làm tự động hóa cho một công ty hoặc dự án nào đó ở một chừng mực nào đó. Nếu như mong muốn của bạn là trở thành người viết phần mềm chuyên nghiệp, thì đây là bài viết dành cho bạn.

Trước tiên, mình nghĩ quan trọng là sự nhận thức rằng việc làm chuyên nghiệp khác với nghiệp dư, và làm phần mềm không nằm ngoài quy luật đó. Nói chúng khác nhau không phải là nói để tâng bốc, quan trọng hóa cá nhân. Một ví dụ là việc đi hát: Cuộc sống của chúng ta có rất nhiều người hát được. Có thể bạn hát karaoke nghe rất hay. Có thể bạn hát hay đến mức có người bạn của bạn mời bạn hát đám cưới. Nếu bạn đồng ý rằng “tôi chỉ muốn hát karaoke đám cưới cho vui” cả đời thì không vấn đề gì. Mặt khác, việc nghĩ rằng một người ca sĩ chỉ là một người hát karaoke hay hát đám cưới mà may mắn có nhiều người nghe là rất sai. Mặc dù nhiều người ca sĩ được khám phá ra vì họ hát đám cưới hay, sẽ tốt hơn nếu chúng ta nhận ra khoảng cách giữa hai người đó là rất xa nhau. Việc ca sĩ chuyên nghiệp như Mỹ Tâm hay Taylor Swift chẳng hạn có cống hiến hàng chục năm mà vẫn có bài hát mới không phải chỉ bởi vì người ta làm vì thích hay người ta may mắn. Mình chắc chắn một điều, phần lớn những thành công đó không nhờ họ có hứng hay họ may mắn.

Điểm giống nhau giữa hai việc hát và code là rất nhiều người làm vì thích, đó là một phần của sự sáng tạo và đi lên từ việc làm nghiệp dư, làm cho vui. Cá nhân mình viết phần mềm đầu tiên từ khi 12 tuổi. Mình viết báo PCWorld về lập trình cho vui từ năm 14 tuổi để lấy tiền tiêu vặt. Phần mềm đầu tiên mình viết “nguồn mở” cũng là vào những năm đó và mình nói chung đều viết code cho đến giờ. Đó đều là những việc làm chơi, nghiệp dư. Mình bây giờ được người ta trả tiền để viết phần mềm – đó là biết mình đã chuyển từ việc làm chơi thành làm thật.

Trong thời gian đó đến giờ, rất nhiều khi mình tự hỏi: Khi biết mình thích, thì làm cách nào để mình biết là mình đang làm đúng hoặc đi đúng hướng trên con đường đó? Làm cách nào để chuyển từ làm chơi thành làm thật?

Trong thời gian đó, mình có những điều hiểu sai về việc này mà mình nghĩ rằng mình biết nhưng thực tế thì không. Nếu mà mình biết trước thì đã tiết kiệm được vô khối thời gian.

1. Nên học ít nhất đến hết đại học chuyên ngành

Nếu có thể, bạn nên học tiếp bằng Master. Bạn không nên nghĩ rằng mình có thể “tự học” được tất cả mọi thứ bằng cách mày mò, và dành thời gian đó để làm việc khác (ví dụ làm startup). Tuy “nghề” viết phần mềm là mới so với nhiều nghề khác, nhưng nó cũng không mới lắm. Và khi một con đường đã được người khác khai hoang từ lâu thì bạn sẽ nên đi con đường người khác đã biết và đã tạo lập sẵn, chứ không cần phải khai phá lại. Bạn có thể nghĩ mình có thể học được bằng cách tự học tự làm nhưng việc đó sẽ rất tốn thời gian, và bạn sẽ phải đối mặt với muôn vàn câu hỏi mà bạn không có câu trả lời (nhưng người khác có, và nếu bạn theo người ta thì bạn đã không vướng vào đó rồi).

Sẽ có nhiều điều bạn không biết rằng mình không biết nếu không học đại học. Không ai bây giờ đi nghiên cứu vũ trụ bằng cách tự chế ra một cái kính viễn vọng rồi tự nhìn lên trời để phát minh ra định luật mới cả, mặc dù sách danh nhân hay nói với bạn nhiều người đã làm như vậy (những việc đó bạn đã chậm chân 500 năm). Cũng như vậy, bạn không nên nghĩ rằng mình sẽ hiểu được máy tính bằng cách ngồi ở nhà và tự học: Đại học, được đào tạo chính quy, nghiêm chỉnh luôn là con đường tốt nhất, ngay cả khi bạn đã có vốn liếng kha khá về kiến thức lập trình khi vào đại học/master.

Sự thật với cá nhân mình là mình không ghi danh nhập học ngành máy tính khi bước vào đại học vì mình nghĩ mình đã hiểu được làm cách nào để code rồi thì học cái khác chứ học máy tính làm gì nữa. Sau này khi nhận ra mình phải học nghiêm túc vì có rất nhiều điều mình chưa biết, thì mình chuyển qua học Khoa học máy tính.

Nếu bạn muốn làm startup thì bạn nên làm startup, nhưng nếu bạn không phải là xuất chúng thiên hạ, bạn chỉ có thể chọn giữa làm startup hay làm phần mềm, chứ không phải cả hai. Có nhiều người sẽ hỏi: Vậy tại sao các ông trùm về công nghệ như Bill Gates hay Mark Zuckerberg đều là những kẻ bỏ học? Mình xin được trích lời Gấu: Có bao nhiêu người là người bỏ học và trở thành Bill Gates và bao nhiêu người bỏ học và trở thành đi ăn xin?

2. Viết phần mềm thì cần tập trung.

Đừng là nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội, kẻ khôn lỏi, hay người làm việc tùy hứng cùng lúc với viết phần mềm. Làm phần mềm là một công việc kỹ thuật sáng tạo, nhưng là một công việc kỹ thuật trước tiên. Viết code không phải là đi viết thơ hay viết văn. Viết code là đi viết lệnh mạch lạc để máy tính làm một việc rõ ràng. Làm máy tính là phải học cách làm một người kỹ sư chứ không phải là đi làm nghệ sỹ. Vì thế về mặt kỹ thuật, viết code, viết tài liệu cho phần mềm, viết comment cho code, viết commit message đều phải mạch lạc, rõ ràng và đi vào gốc rễ của vấn đề. Mỗi dòng lệnh bạn viết cần phải có một mục đích cụ thể và duy nhất. Bạn sẽ sai rất nhiều và sẽ phải rất thẳng thắn về việc nhận cái sai của mình.

Về công việc, bạn cần có kỷ cương và làm việc một cách chuyên nghiệp chứ không phải làm tùy hứng. Bạn cần nhận ra đâu là làm có hiệu quả và đâu là làm để lấy le với người khác (trong đó, làm không điều độ, thức đêm hôm là những việc điển hình của người làm việc nghiệp dư).

Khi viết code, người làm nghiệp dư thường mắc phải những lỗi mà mình nghĩ là mình “thông minh.”

Ví dụ, lần đầu tiên mình nhận ra là mình không thông minh như mình tưởng là khi ông giáo sư dạy Khoa học máy tính đi bắt mình những lỗi như không viết dấu {} khi câu lệnh if chỉ có một dòng như thế này:

if (condition) doSomething(); return 0;

Vấn đề của việc viết không có dấu {} là khi người khác làm việc trên code của mình mà muốn làm thêm một việc khác nữa, mà viết như thế này:

if (condition) doSomething(); doSomethingAfterwards(); return 0;

Như vậy mà gặp phải lỗi thì rất khó để nhận ra vấn đề nằm ở đâu. Người làm việc chuyên nghiệp không chỉ biết làm một việc hiệu quả, mà biết làm việc để người khác hiểu được mình, kế tục được việc mình làm và ít bị bất ngờ nhất chứ không phải là người làm ma mãnh khôn lỏi thông minh nhất. Nếu bạn muốn là người tỏ ra thông minh nhất, bạn cần phải tham gia game show chứ không phải đi viết phần mềm.

Một ví dụ cụ thể cho việc một hệ thống không thể hiện sự làm việc chuyên nghiệp là một dự án về trao đổi, lưu trữ tiền (lớn?) mà có những commit message rất kỳ khôi, có khi chỉ là một chữ “n.” Khi người sau tiếp tục kế tục một chân làm phát triển cho công ty như vậy thì họ sẽ không biết tại sao thay đổi đó đã diễn ra, diễn ra để làm gì, vấn đề nó khắc phục là gì, kết quả như thế nào. Như vậy là khi dự án trở nên rắc rối hơn, con người đông lên, việc một câu lệnh làm gì sẽ vượt khỏi tầm tay và có thể có những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

3. Đừng là một kẻ đơn độc

Có rất nhiều người trong thế giới này giỏi hơn bạn và bạn sẽ học được rất nhanh khi làm việc với người giỏi hơn mình. Một vấn đề của người làm vì thích là việc thấy mình có thể tự làm được rất nhiều thứ. Vì thế người làm vì thích tự làm rất nhiều thứ một mình ở trong bóng tối. Bạn làm thế nào thì bạn cũng có niềm vui. Bạn có thể nhốt mình ở trong căn phòng 24/7 không tiếp xúc với ai, không nói chuyện với ai, không ai biết bạn đang làm gì, và bạn nghĩ mình vẫn học được nhiều điều mới lạ từng ngày. Bạn vẫn có những sáng tạo của mình hàng ngày và thấy việc đó rất tốt. Vấn đề của việc làm việc một mình là bạn không thấy điểm mù của mình và vùi đầu vào một việc không đáng làm, hoặc nếu có người chỉ cho đã nhanh hơn rất nhiều rồi. Điều này đặc biệt đúng với các bạn học sinh học phổ thông hay sinh viên mới vào trường đại học, vì bạn thấy mình đơn độc khi có sở thích riêng, kỳ lạ khác người và không chơi được với những người cùng trang lứa.

Để giải quyết vấn đề tự hát tự thâu băng tự đưa lên Youtube này thì giải pháp là phải học thầy và học bạn. Khi bạn có những người ít nhất là tốt bằng mình thì bạn sẽ nhận ra cần phải làm gì rất nhanh. Để làm được việc đó, việc tốt nhất là thay vì làm một dự án của riêng mình hay làm trong nhóm nhỏ thì bạn nên tìm hiểu và tham gia vào một dự án phần mềm chuyên nghiệp. Các dự án này phải có một đội ngũ làm nghiêm túc hẳn hoi. Tất cả các dự án có nhiều người làm ở các công ty làm phần mềm chuyên nghiệp (như Google, Facebook, Redhat) tham gia điều hành và gửi mã nguồn lên đều là những dự án “đạt chuẩn.” Những dự án như thế này không khó để tìm trên Internet, những dự án có uy tín có thể kể ngay ra như Debian, Linux Kernel, Buildroot, OpenWRT, KDE, GNOME, OpenSSL, Python đều là những dự án rất chuyên nghiệp và họ luôn tìm người tham gia. Khi bạn commit code vào những dự án đó, những người đi trước sẽ rất nhanh chóng chỉ cho bạn những lỗ hổng trong kiến thức và kỹ năng của mình. Cộng với việc khi đóng góp bạn luôn có thể nói với mọi người rằng bạn đã tham gia đóng góp mã nguồn vào những dự án đó.

Các dự án nhỏ hơn của những cá nhân làm web, như các web framework hay thư viện javascript hay ứng dụng nhỏ trên Github, trừ khi có lý do rõ ràng, mình nghĩ rằng sẽ không hiệu quả cho việc phát triển cá nhân. Lý do là những người làm những framework hay dự án nhỏ cũng chỉ là những người làm nghiệp dư và họ sẽ không có thời gian công sức và kinh nghiệm để nắn sửa cho bạn nếu bạn sai.

Nếu bạn muốn tham gia nghiên cứu, các lab có uy tín ở trong đại học lớn sẽ tốt hơn các lab có ít người ở các đại học nhỏ hơn. Các lab có nhiều sinh viên học Khoa học máy tính sẽ có nhiều người để bạn học hỏi hơn. Có nhiều trường hợp, như trường hợp của mình, mình đã làm việc Khoa học máy tính trong một lab mà mình là người duy nhất được đào tạo về máy tính. Trong thời gian đó, mình không phát triển được nhiều kỹ năng về làm phần mềm tốt của mình.

4. Nhiều tiền hay nổi tiếng không phải là vấn đề

Mình nghĩ một cạm bẫy lớn của các bạn trẻ (teen) là nghĩ việc làm của mình rất tốt, rất quan trọng nếu như mình làm được tiền hoặc sự chú ý của ai đó. Bạn sẽ gây dựng nên được Microsoft hay Facebook vì bạn thu được một ngàn đô la một tháng vì bạn nghĩ ra một điều gì đó mọi người đang cần. Mình nghĩ việc nông nổi đó sẽ giảm dần đi theo thời gian khi mỗi người lớn lên, và nếu có phụ huynh nào có con nhỏ thuyết phục cha mẹ như vậy thì cũng không nên lo quá. Nhưng có chút tiền không thôi thì không phải là lý do để không thèm học đại học, không thèm mở rộng chân trời của mình. Mặt khác, đó có thể là lý do ngu ngốc nhất để không học tiếp.

Cùng lúc đó, nếu bạn phát hành phần mềm miễn phí thì bạn cũng chẳng làm thế giới tốt đẹp hơn là bao. Đó là cách bạn nghĩ về xã hội, nhưng mỗi người trong xã hội có một mối quan tâm riêng và có sự lựa chọn cho mình, và đừng bắt người khác “mang nợ” bạn vì bạn quyết định không bán phần mềm của mình.

Còn hack để kiếm tiền hay phục vụ mục đích của người khác thì luôn luôn sai. Cái đó không cần bàn cãi, và nếu ai nghĩ rằng mình hoành tráng vì có thể hack thì đó là người không chỉ không có khả năng, nghiệp dư, trẻ con mà còn là một người độc hại cho cuộc sống.

Các điểm trên đây đều không cái nào dễ làm trong ngày một ngày hai, không dễ thay đổi trong ngày một ngày hai và đó chính là lý do mình viết bài này: Nếu mình biết trước thì đã dễ dàng tiết kiệm được rất nhiều năm rồi. Nhưng mình hy vọng là ai đọc thì may ra có thể tiết kiệm được vài năm không như mình chăng.

Nguồn: https://viblo.asia/p/phat-trien-phan-mem-tu-nghiep-du-thanh-chuyen-nghiep-XL6lAvAA5ek

Tham khảo khóa học lập trình web 6 tháng, đảm bảo 100% công việc đầu ra!

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published.