Phát triển phần mềm: Từ nghiệp dư thành chuyên nghiệp (P3)

# Đừng là một kẻ đơn độc

Có rất nhiều người trong thế giới này giỏi hơn bạn và bạn sẽ học được rất nhanh khi làm việc với người giỏi hơn mình. Một vấn đề của người làm vì thích là việc thấy mình có thể tự làm được rất nhiều thứ. Vì thế người làm vì thích tự làm rất nhiều thứ một mình ở trong bóng tối. Bạn làm thế nào thì bạn cũng có niềm vui. Bạn có thể nhốt mình ở trong căn phòng 24/7 không tiếp xúc với ai, không nói chuyện với ai, không ai biết bạn đang làm gì, và bạn nghĩ mình vẫn học được nhiều điều mới lạ từng ngày. Bạn vẫn có những sáng tạo của mình hàng ngày và thấy việc đó rất tốt. Vấn đề của việc làm việc một mình là bạn không thấy điểm mù của mình và vùi đầu vào một việc không đáng làm, hoặc nếu có người chỉ cho đã nhanh hơn rất nhiều rồi. Điều này đặc biệt đúng với các bạn học sinh học phổ thông hay sinh viên mới vào trường đại học, vì bạn thấy mình đơn độc khi có sở thích riêng, kỳ lạ khác người và không chơi được với những người cùng trang lứa.

Để giải quyết vấn đề tự hát tự thâu băng tự đưa lên Youtube này thì giải pháp là phải học thầy và học bạn. Khi bạn có những người ít nhất là tốt bằng mình thì bạn sẽ nhận ra cần phải làm gì rất nhanh. Để làm được việc đó, việc tốt nhất là thay vì làm một dự án của riêng mình hay làm trong nhóm nhỏ thì bạn nên tìm hiểu và tham gia vào một dự án phần mềm chuyên nghiệp. Các dự án này phải có một đội ngũ làm nghiêm túc hẳn hoi. Tất cả các dự án có nhiều người làm ở các công ty làm phần mềm chuyên nghiệp (như Google, Facebook, Redhat) tham gia điều hành và gửi mã nguồn lên đều là những dự án “đạt chuẩn.” Những dự án như thế này không khó để tìm trên Internet, những dự án có uy tín có thể kể ngay ra như Debian, Linux Kernel, Buildroot, OpenWRT, KDE, GNOME, OpenSSL, Python đều là những dự án rất chuyên nghiệp và họ luôn tìm người tham gia. Khi bạn commit code vào những dự án đó, những người đi trước sẽ rất nhanh chóng chỉ cho bạn những lỗ hổng trong kiến thức và kỹ năng của mình. Cộng với việc khi đóng góp bạn luôn có thể nói với mọi người rằng bạn đã tham gia đóng góp mã nguồn vào những dự án đó.

Các dự án nhỏ hơn của những cá nhân làm web, như các web framework hay thư viện javascript hay ứng dụng nhỏ trên Github, trừ khi có lý do rõ ràng, mình nghĩ rằng sẽ không hiệu quả cho việc phát triển cá nhân. Lý do là những người làm những framework hay dự án nhỏ cũng chỉ là những người làm nghiệp dư và họ sẽ không có thời gian công sức và kinh nghiệm để nắn sửa cho bạn nếu bạn sai.

Nếu bạn muốn tham gia nghiên cứu, các lab có uy tín ở trong đại học lớn sẽ tốt hơn các lab có ít người ở các đại học nhỏ hơn. Các lab có nhiều sinh viên học Khoa học máy tính sẽ có nhiều người để bạn học hỏi hơn. Có nhiều trường hợp, như trường hợp của mình, mình đã làm việc Khoa học máy tính trong một lab mà mình là người duy nhất được đào tạo về máy tính. Trong thời gian đó, mình không phát triển được nhiều kỹ năng về làm phần mềm tốt của mình.

Các điểm trên đây đều không cái nào dễ làm trong ngày một ngày hai, không dễ thay đổi trong ngày một ngày hai và đó chính là lý do mình viết bài này: Nếu mình biết trước thì đã dễ dàng tiết kiệm được rất nhiều năm rồi. Nhưng mình hy vọng là ai đọc thì may ra có thể tiết kiệm được vài năm không như mình chăng.

Tham khảo khóa học lập trình web 6 tháng, đảm bảo 100% công việc đầu ra!

Nguồn: https://topdev.vn/blog/phat-trien-phan-mem-tu-nghiep-du-thanh-chuyen-nghiep/

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published.