devtool

1001 câu hỏi của học sinh lớp 12 muốn theo đuổi ngành CNTT

Vậy là những ngày hè oi ả đã đến, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là học sinh trên mọi miền đất nước sẽ bước vào Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đầy cam go và thách thức. Đại học là cánh cửa mà rất nhiều thí sinh sẽ phải bước qua để có bằng cấp, để vươn đến những chân trời mới. Hiện nay, mình nhận được khá nhiều câu hỏi của các bạn học sinh đang thực sự lo lắng về tương lai của mình. Mình sẽ cố giải đáp tất cả mọi thắc mắc của các em để giúp các em được định hướng tốt hơn, có cái nhìn sâu sắc hơn về thực trạng của các trường IT mà các em có ý định theo đuổi.

  1. Em yêu thích công nghệ thông tin, nhưng em thấy mình không đủ năng lực thi vào các trường lớn. Vậy em nên nộp đơn vào trường nào? Em có ý định học ở Hà Nội.

Trả lời: Em nên nhớ là học sinh sẽ được nộp đơn sau khi tham dự Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia. Em vẫn còn rất nhiều lựa chọn và vẫn có thể tự quyết khi biết điểm của mình. Một số lựa chọn em cần lưu tâm là Đại học Công nghiệp, ĐH Nông nghiệp, ĐH Kinh doanh và Công nghệ, ĐH Quốc tế Bắc Hà, ĐH Điện Lực, ĐH Tài nguyên và môi trường, ĐH Phương Đông,… Bên cạnh đó còn Bách Khoa Aptech, Arena (chủ yếu về thiết kế đồ họa). Học ở trường top dưới e sẽ cần phải nỗ lực hơn và cơ hội để e phát triển vẫn còn rất nhiều.

  1. Học CNTT có cần giỏi tin và toán không? Em học không tốt 2 môn này nhưng rất thích tìm tòi các thứ về máy tính, web hay game.

Trả lời: Không có 1 tiêu chuẩn nào cho 1 người là dân IT hết tuy nhiên em cần biết học IT có rất nhiều thuật toán, có những kiến thức khá trừu tượng đòi hỏi em phải có tư duy tốt. Tư duy logic và cái nhìn bao quát là hai yếu tố quan trọng quyết định việc em có thành công với ngành nghề này hay không. Mà em có tìm hiểu nhiều về máy tính nên có thể thấy em chỉ không giỏi các thuật toán còn các vấn đề về máy tính hẳn em cũng thông thạo. Có rất nhiều công việc mà em ít phải dùng đến các thuật toán như: Thiết kế web, Thiết kế đồ họa, Kỹ sư mạng, Thương mại điện tử,… Đó là những ngành học mà em hoàn toàn có thể theo đuổi.

  1. Học CNTT có vất lắm không, em thấy các anh chị kêu lắm.

Trả lời: Học CNTT vất với những người lười, không có đam mêm. Học CNTT không vất với những ai thực sự yêu thích và đam mê với nó. Nếu em xác định theo đuổi ngành này, hãy xác định rằng sẽ phải hi sinh nhiều cho nó, dành nhiều thời gian cho nó thì em mới có thể thành công. Nhưng mà thực sự rất vất đấy =)). Kỹ thuật, y, dược không nhàn được đâu em.

  1. Học Công nghệ thông tin Đại học Công nghệ lớp chất lượng cao thế nào anh?

Trả lời: Anh không học những lớp đó và cũng không học trường đó nhưng cũng có bạn bên đấy. Thực sự thì học những trường thuộc Đại học Quốc Gia sinh viên được thầy cô quan tâm nhiều lắm. Em có thể hỏi bất cứ vấn đề gì qua mail, thầy cô luôn sẵn sàng trả lời. Học lớp Chất lượng cao thì em còn được quan tâm hơn nữa, kiến thức luôn đầy đủ, bạn bè tốt, thầy cô nhiệt tình, học bổng thì nhiều nữa. Bên cạnh đó tiếng Anh cũng được chăm chút, các em sẽ đạt 6.0 IELTS trong năm đầu tiên và sẽ chẳng phải lo đầu ra bởi các Tập đoàn lớn luôn săn đón sinh viên năm cuối tại ngôi trường này. Hiện tại đang là thời kỳ vàng của CNTT Việt Nam nên các em cần cố gắng nếu muốn theo học tại đây. Điểm đầu vào sẽ hơi cao chút nhưng anh tin đây là nơi lý tưởng các em có thể đặt nền móng cho tương lai của mình.

  1. Anh thấy học Bách Khoa thế nào, em nghe nói học cũng bình thường mà bị đuổi nhiều lắm. Thực sự em cũng sợ sợ nếu đăng ký vào đó, sợ mình không theo nổi.

Trả lời: Câu hỏi của em anh sẽ trả lời cho cả Đại học Bách Khoa Hà Nội và Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh bởi anh thấy môi trường ở đó tương tự như nhau. Đại học Bách Khoa luôn là 1 trong top 10 trường về Công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, là cái nôi của rất nhiều nhân tài. Tuy nhiên có một rào cản là ở đó rất nặng về kiến thức hàn lâm, sẽ thực sự nhạt nhẽo và vô bổ nếu em không phải người kiên nhẫn, chăm chỉ. Nếu muốn học ở đó em phải cố gắng rất nhiều để theo kịp chương trình, cân đối giữa học tập và sinh hoạt hàng ngày. Khổ mỗi cái là Bách Khoa toàn đực rựa, lại toàn ông bẩn bựa với nhau, muốn kiếm gái phải sang trường khác, nhất là Kinh tế gần đó chứ sang Xây dựng thì thôi rồi Lượm ơi.

  1. Anh thấy học FPT thế nào?

Trả lời: Ồ câu hỏi của em đơn giản quá, chả biết thế nào là thế nào =)). FPT thì học ở ngoại thành Hà Nội, nói chung trường rất đẹp và đầy đủ tiện nghi. Trong số các trường về CNTT thì FPT là hàng chuẩn đó em. Sinh viên FPT luôn được đánh giá cao bởi ngay khi thi đầu vào đã toàn test IQ các kiểu rồi tư duy cũng rất tốt, được đào tạo bài bản. Không chỉ thế, nếu theo học FPT em sẽ được học các môn năng khiếu như Võ, Trượt Patin, các môn thể dục khác,… Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa cũng khá sôi nổi, không lo buồn chán (trừ khi em tự kỷ chỉ ở nhà học). Về đầu ra thì sinh viên FPT luôn được các Tập đoàn lớn săn đón, nếu không cũng được làm cho FPT luôn. Ớn mỗi cái học phí khá chát. Nếu nhà nào không có điều kiện, sinh viên sẽ phải đi làm thêm để có tiền đóng học và theo học. Đó là tư vấn của riêng cá nhân anh sau khi được sự góp ý của một số tiền bối bên FPT. Còn tình hình thực tế sẽ thay đổi theo từng năm và chỉ sinh viên ở đó mới nắm bắt được.

Tạm thời loạt bài sẽ dừng lại ở câu hỏi thứ 6 bởi mình thấy cũng khá dài rồi. Chúc các em có được sự chuẩn bị tốt nhất cho bước ngoặt của cuộc đời mình. Cảm ơn các bạn đã chú ý đón đọc.

Tham khảo khóa học lập trình web 6 tháng, đảm bảo 100% công việc đầu ra!

Nguồn: https://topdev.vn/blog/1001-cau-hoi-cua-hoc-sinh-cuoi-cap-muon-theo-duoi-nganh-cong-nghe-thong-tin/

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tài liệu + Khóa học lập trình FREE
Tài liệu + Khóa học lập trình FREE

DMCA.com Protection Status