5 kinh nghiệm giải quyết vấn đề khi code mà bị “bí” ý tưởng (1)

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm cụ thể hơn trong quá trình bạn code mà bị “bí” – kiểu không biết code gì, không biết bắt đầu từ đâu, không có ý tưởng gì ấy.

Áp dụng những điều này và vượt qua được những lúc khó sẽ khiến bạn yêu quý việc lập trình hơn rất nhiều đó. Ok, let’s go !

#1. Tận dụng triệt để Google Search

Nếu chưa phải là một DEV làm việc lâu năm hoặc làm những lĩnh vực quá đặc thù thì hầu như những vấn đề bạn gặp phải người khác cũng đã gặp rồi.

Có những vấn đề có giải pháp, cũng có những vấn đề chưa có giải pháp nhưng hầu như 90% là đã có giải pháp rồi.

Nhiệm vụ của bạn là học cách search google sao cho kết quả trả về đúng với mong muốn của bạn là xong thôi.

Kỹ năng google search là một kỹ năng mà bất kể lập trình viên nào cũng nên trang bị. Mình sẽ chia sẻ về kỹ năng này trong một bài viết khác.

Một cách đơn giản là các bạn cứ chú ý về keyword trong vấn đề bạn muốn tìm kiếm thôi. Vấn đề nữa mà nhiều bạn thắc mắc đó là bạn nên tìm kiếm bằng tiếng Anh hay tiếng Việt?

Vâng, câu trả lời của mình tất nhiên là tiếng Anh rồi, vì bạn cứ nhìn số lượng kết quả trả về là biết.

Mình lấy ví dụ bạn gặp một bài toán đó là “Cho một mảng số nguyên hãy sắp xếp theo chiều tăng dần bằng ngôn ngữ lập trình java”

Ở đây sẽ có 3 keyword quan trọng nhất đó là: mảng, sắp xếp và java. Bạn chỉ cần search: “how to sort an array in java” hoặc “array sort java” hoặc “java array sort”…

Làm sao để bao hàm được keyword và keyword nào ưu tiên bạn có thể cho nó lên đầu câu truy vấn của bạn.

Hãy cố gắng suy nghĩ những keyword có thể có trong vấn đề bạn gặp phải. Hoặc khi không nghĩ được keyword nào (vì vấn đề chưa gặp) thì bạn có thể search chung chung rồi tìm một keyword xuất hiện nhiều trong các kết quả.

#2. Chia nhỏ bài toán để giải quyết từng phần

Chia nhỏ bài toán vẫn luôn là một tư tưởng rất hay từ trước đến nay, không chỉ trong lập trình mà còn cả trong cuộc sống nữa.

Có những vấn đề lớn được hình thành từ những yếu tố nhỏ hơn, nếu ta khéo léo chia nhỏ nó ra thì vấn đề lớn sẽ trở nên rất dễ dàng hơn rất nhiều.

Mình lấy ví dụ như khi đi làm, bạn được giao làm chức năng tạo trang đăng ký cho người dùng (giả sử bạn phải làm hết từ giao diện front-end cho đến xử lý logic back-end).

Khi đó, bạn có thể chia task thành hai phần. Phần front-end bạn làm sao phải tạo được cái form đăng ký. Chia nhỏ hơn nữa phía front-end bạn phải làm sao để kiểm tra thông tin người dùng nhập vào rồi khi submit form thì sẽ đi đến URL nào…

Phía back-end khi nhận được request từ front-end thì làm sao lấy được dữ liệu và xử lý nó để lưu vào cơ sở dữ liệu.

Để chia được task lớn thành task nhỏ không phải là dễ. Đòi hỏi bạn phải có kinh nghiệm và biết được để làm task đó bạn phải làm những gì.

Nếu bạn là người mới thì có thể hỏi những anh chị, đồng nghiệp có kinh nghiệm hơn, họ sẽ hướng dẫn cũng như giúp đỡ bạn phân chia công việc ra sao cho phù hợp.

Nhưng bạn hãy nhớ rằng không phải lúc nào cũng nên chia nhỏ vấn đề ra. Có khi chia ra lại làm cho bài toán của bạn phức tạp hơn. Tùy trường hợp mà chúng ta nên linh động chia hay không chia.

#3. Làm những task dễ để đi dần đến task khó

Mình từng gặp những người anh trong ngành, những người đã có kinh nghiệm là những người chỉ thích làm task khó. Người ngoài không biết có thể nghĩ rằng họ coi thường task dễ, không thèm làm task dễ.

Nhưng không phải như vậy, họ cũng từng như chúng ta, cũng từng trải qua giai đoạn phải làm những công việc dễ nhưng họ không chịu dừng lại ở đó.

Thông thường, nếu bạn đi làm sẽ được phân chia các task và tùy mức độ bạn có thể đánh giá được nó là task khó hay dễ.

Nếu bạn vồ vập lao vào làm task khó, có thể nó sẽ khiến bạn gặp bế tắc. Mà khi bế tắc người ta thường rơi và trạng thái suy nghỉ luẩn quẩn. Nghĩa là không còn được minh mẫn như ban đầu.

Thậm chí nhiều task khó chỉ được hoàn thành khi các task nhỏ được hoàn thành. Hoàn thành các task dễ đôi khi cũng giúp bạn có động lực hơn để đối mặt với các task khó.

Vì vậy đừng coi thường những task dễ nha các bạn. Các cụ nói rồi, trăm hay không bằng tay quen. Bạn làm càng nhiều bạn càng thành thạo nhưng cũng phải nhớ rằng luôn luôn đặt những mục tiêu cao hơn nha.

Tham khảo khóa học lập trình web 6 tháng, đảm bảo 100% công việc đầu ra!

Nguồn: https://blogchiasekienthuc.com/ky-nang/kinh-nghiem-giai-quyet-van-de-khi-code-bi-bi.html

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published.