CodeGym

Tốt Nghiệp Rồi, Có Nên Làm Việc Cho Start Up?

Ra trường rồi, giờ theo startup hay theo công ty khủng?

Trong 3 năm đầu tiên khi bắt đầu sự nghiệp, thay vì lựa chọn một nơi cho bạn mức lương ổn định thì hãy chọn cho mình một người sếp có năng lực để học hỏi. Người có thể giúp bạn định hình được con đường sự nghiệp bạn sẽ đi và giá trị nghề nghiệp bạn theo đuổi. Người sếp đấy có thể là ở một công ty lớn, cũng có thể là ở một công ty start up. Lời khuyên cho bạn là, đừng chọn một công ty start up khi bạn chưa trả lời được những câu hỏi này.

Nếu bạn cảm thấy hứng thú để theo 1 start-up (về công nghệ hay bất kỳ cái gì), trước tiên nên tự hỏi bản thân liệu bạn có thấy mình có dám mạo hiểm, có bản lĩnh và có sẵn sàng?

Bạn có dám mạo hiểm?

Như mọi người hay nói, tỉ lệ start-up sập là 90-95% trong năm đầu tiên. Nếu bạn chọn làm việc cho start-up, điều đó có nghĩa là gì? Tức là cũng với xác suất nhiêu đó bạn sẽ bị mất việc trong năm đầu tiên. Tệ hơn có thể bị nợ lương, khổ sở kéo dài nếu start-up của bạn failed.

Khả năng công ty khủng bị phá sản thấp hơn nhiều, và công sức của bạn tham gia có thể chắc chắn được đền đáp tốt hơn (lương, CV đẹp, …) sau 1-2 năm cống hiến. Còn start-up, hãy nhân tỉ lệ rủi ro khi tính toán “thành quả” bạn sẽ nhận được.

Do đó, nếu bạn không dám mạo hiểm, xin đừng vào start-up! Hãy vì chính bản thân bạn.

Bạn có đủ bản lĩnh?

Nói thẳng ra, những founder của start-up có thể là những người rất giỏi trong lĩnh vực họ làm, nhưng chưa chắc họ là manager giỏi. Manager giỏi ở đây là người có thể hướng dẫn bạn, giúp bạn, tạo điều kiện để bạn phát triển tốt nhất. 

Trong công ty khủng, có thể không phải manager nào cũng giỏi, nhưng ít ra bộ phận nhân sự có thể giúp được bạn. Còn ở start-up, thường chỉ có bạn và founder. Nếu founder của bạn ko phải là manager giỏi thì bạn phải tự thân vận động rồi đó.

Thành ra khi vào startup, bạn sẽ tự học, từ cày, tự mầy mò và tự “failed” là chính. Sẽ chẳng có OJT (On Job Training) hay MT (Management Training) hoành tráng đâu (à nếu bạn thấy công ty nhỏ nào có Management Training program, hãy suy nghĩ lại!)

Hơn nữa, founder start-up thường bù đầu bù cổ vào sản phẩm, khách hàng, nhà đầu tư. Mặc dù ai cũng hiểu team là quan trọng nhất, nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên cũng sẽ không biết làm sao để build, hoặc cũng chẳng có thời gian để phát triển team của mình.

Kinh nghiệm bản thân sau 5 năm, tôi tự nhận mình chưa phải là manager tốt. Nhất là chưa thật sự giúp được những bạn đã join start-up của mình theo cách tốt nhất cho các bạn đó, mặc dù đã cố. Dù sao với 3 năm đi làm trước đó, tôi cũng chẳng biết và học được phải làm bài bản thế nào.

Thế đấy, làm leader cũng cần phải có kỹ năng. Chuyên môn có thể là xương sống, nhưng kỹ năng con người và kỹ năng quản lý mới làm nên một nhà leader vĩ đại.

Bạn có sẵn sàng?

Làm start-up khổ lắm chứ không phải màu hồng lung linh như film ảnh đâu. Không phải công ty nào cũng thành công, tiền funding vô ầm ầm, sản phẩm bán chạy ào ạt. Đa phần chật vật chạy ăn từng bữa, làm việc thâu đêm suốt sáng cho một tương lai không gì chắc chắn. Bạn có sẵn sàng cho 1 môi trường như vậy không?

Ngoài ra bạn có sẵn sàng “làm tất cả mọi việc” không? Thậm chí đi quảng cáo, thức dậy từ 5h sáng để chuẩn bị cho sự kiện, làm tới 11h-12h đêm mới được về nhà, …. Còn hàng tỉ tỉ việc không tên tương tự.

Tất nhiên như bài báo có nói, bạn sẽ học được nhiều, với điều kiện bạn phải sẵn sàng học. Và với kinh nghiệm từng thấy, không phải bạn nào cũng sẵn sàng. Xin lỗi, nhà trường hoàn toàn không trang bị cái gì để bạn sẵn sàng cho cuộc đời start-up đâu, ngoài việc ăn mì gói và thức khuya.

Bạn được gì khi làm việc cho Start up?

Nói chung, xin hãy nghĩ cho kỹ! Mọi thứ đều có giá của nó. Chỉ là bạn hãy hiểu cái giá mình cần trả để được: kinh nghiệm, trải nghiệm và sự vẫy vùng.

Trải nghiệm: Bạn có thể xây dựng lên quy trình làm việc. Bạn có thể nắm bắt và làm việc ở tất cả các khâu bạn đang vạch ra. Bạn sẽ bất ngờ với khả năng của mình khi làm việc từ A-Z. Tư duy tổng thể của bạn sẽ không ngừng được bồi dưỡng và gia tăng khi đặt mình trong những áp lực mới, ở vị trí mới, với góc nhìn bao quát và tổng thể.

Kinh nghiệm: Một loạt kinh nghiệm làm những công việc chưa bao giờ nghĩ đến. Ví dụ như các việc liên quan đến giấy tờ, làm việc với các cơ quan nhà nước về thủ tục hành chính, làm thế nào để mở rộng và duy trì mối quan hệ với đối tác, khách hàng thay vì chỉ làm thuần về kỹ thuật như trước đây.

Sự vẫy vùng: Bạn có cơ hội được thử. Đó là điều quan trọng nhất. Sáng tạo không ngừng, thay đổi và điều chỉnh. Quan trọng nhất, bạn không bị bó buộc hay kìm kẹp trong một quy chuẩn nào cả – đặc quyền mà các công ty lớn khó có thể mang lại cho bạn.

Tin tốt dành cho các bạn đó là sự phát triển của xã hội đã hình thành một số hình thức khởi nghiệp khá hấp dẫn, đó chính là Start up trong lòng doanh nghiệp lớn. Dựa trên những thế mạnh của công ty “khủng” về công nghệ, nhân lực, tập khách hàng… Các start-ups sẽ bảo vệ ý tưởng sản phẩm của mình- nếu được phê duyệt, các founder sẽ gọi được số vốn nhất định, được đảm bảo về các điều kiện môi trường làm việc, nhân sự, công nghệ và các điều kiện khác. Việc của các founder là gây dựng một team thiện chiến, tập trung làm thật tốt sản phẩm của mình và phát triển chúng, đương nhiên cũng sẽ có những sự đánh đổi, nhưng có lẽ, được nhiều hơn mất.

Tạm kết

Hiện giờ hầu hết những bạn vào start up đều là sinh viên mới ra trường, hoặc sắp ra trường. Các bạn máu lửa, các bạn đều sẵn sàng, đều muốn được làm được học rất rất nhiều. Khi đó, áp lực của những người founder để thật sự giúp được các bạn là vô cùng lớn, nhiều khi lớn hơn cả việc phải làm ra sản phẩm tốt nữa. Hãy bình tĩnh và lựa chọn thật sáng suốt cho con đường bạn sắp đi. Chúc các bạn thành công :))

Tham khảo khóa học lập trình web 6 tháng, đảm bảo 100% công việc đầu ra!

Nguồn: https://codelearn.io/sharing/tot-nghiep-co-nen-lam-viec-cho-start-up

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published.