Các Khái Niệm Về Lập Trình Viên Từ A Đến Z (Phần 1)

Chúc mừng năm mới Tân Sửu, đầu xuân năm mới, tôi muốn chia sẻ một số khái niệm vui vui với các bạn về nghề lập trình. Các khái niệm này được tôi đúc rút từ quãng thời gian hơn một thập kỷ làm lập trình viên. Hy vọng bài viết có thể mang lại cho các bạn một số niềm vui vào những ngày đầu xuân.

Các keyword được sắp xếp theo thứ tự A-Z theo quan điểm cá nhân, thông tin mang tính chất chia sẻ kinh nghiệm và là các thông tin tham khảo với các bạn lập trình viên.

A. Automation – Tự động hóa công việc.

Thần tượng của tôi trong giới công nghệ thông tin là Bill Gate, và câu nói mà tôi thích nhất từ ông là: “I choose a lazy person to do a hard job. Because a lazy person will find an easy way to do it.”
Câu quote trên và “tự động hóa” có gì liên quan đến nhau ? Những người “lười” sẽ luôn tìm ra những cách thông minh để thực hiện “tự động hóa” những công việc đang diễn ra hàng ngày.
Ví dự như các bạn lập trình viên khi thực hiện lập trình các dòng lệnh để tương tác vào bảng dữ liệu, chúng ta sẽ lặp đi lặp lại các câu lệnh CRUD với mỗi bảng dữ liệu. Nếu mới học, bạn sẽ thấy hào hứng nhưng làm lâu rồi, chắc chắn các bạn sẽ thực hiện viết một script/application để thực hiện nhận cấu trúc bảng dữ liệu và sau đó sẽ tự động sinh ra đủ các loại file/scripts, thậm chí là cả… phần code giao diện web hoặc app cho việc CRUD luôn.

B. BLOG – Viết blog cá nhân.

Blog cá nhân là nơi chia sẻ những gì bạn có, bạn hiểu, bạn mới tìm hiểu được. Blog cá nhân là “nhà” của bạn trên mạng internet. Hãy tập viết blog càng sớm càng tốt, tương lai bạn sẽ thấy có nhiều bất ngờ chờ đón bạn.

Lúc đầu, các bạn có thể viết khá ngô nghê, nếu có ai bình luận gì trái chiều là sẵn sàng thể hiện “cái tôi” cá nhân bằng cách “bật” lại ngay. Dần dần, tay nghề viết blog sẽ khá hơn, câu văn sẽ chau chuốt hơn, bản lĩnh của các bạn cũng hoàn thiện theo số lượng bài viết, nếu thấy cái gì không phù hợp với suy nghĩ, các bạn sẽ biết cách lắng nghe, suy nghĩ thấu đáo trước khi tìm cách phản biện.
Blog cá nhân cũng là nơi các bạn lưu trữ những kiến thức của cá nhân các bạn, nó sẽ như một cái “ghi chú dự phòng” để bạn có thể nhanh chóng truy xuất dữ liệu trong trường hợp cần thiết. Ví dụ bạn đang đi phỏng vấn, khi làm bài test hoặc phỏng vấn trực tiếp, các bạn mở blog của mình ra để tham khảo thông tin một đoạn code xử lý vấn đề nào đó, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ đánh giá bạn cao hơn là việc bạn sẽ phải lục tìm trong danh sách tìm kiếm của google.
Nói đến tuyển dụng thì blog cá nhân chính là điểm nhấn cá nhân của các bạn trong CV, nhà tuyển dụng có thể sẽ không cần yêu cầu bạn trả lời một số câu hỏi liên quan đến thuật toán hoặc thiết kế hệ thống nếu như trong blog của bạn đã có các article/post về nó hoặc nếu hứng thú, họ sẽ hỏi sâu liên quan đến bài viết mà bạn đã đăng lên.

C. Clean Code – Code sạch code đẹp

Là lập trình viên chuyên nghiệp (đi làm thuê chuyên nghiệp), chúng ta đều phải biết clean code, nếu như không muốn ăn “hành” từ những người đồng nghiệp hoặc ăn hành từ chính chúng ta ở “quá khứ”.

Lý thuyết về Clean code, thường thì chúng ta sẽ được giới thiệu cuốn sách: Clean Code: A Handbook of Agile Software Craftsmanship của tác giá Robert C. Martin.
Nếu các bạn mới vào nghề, hãy cứ đọc và chọn lọc một số khái niệm cơ bản về clean code để làm theo. Còn muốn thực sự code sạch, code đẹp thì phải code nhiều mới dần dần ngấm và thực hiện nhuần nhuyễn được.

D. Debug – Tìm kiếm lỗi ứng dụng bằng chức năng DEBUG.

Debug đơn giản là đi tìm xem “con bọ” tiềm ẩn, nó đang ở đâu trong, và xuất hiện trong ngữ cảnh nào.
Với các bạn mới học lập trình, thường thì hay đặt các câu lệnh in ra màn hình ở từng đoạn để xem trạng thái các biến dữ liệu, các tình huống rẽ nhánh…
Nếu đang dùng cách như vậy, các bạn nên bỏ qua và học cách sử dụng chức năng debug mà các ngôn ngữ lập trình và IDE cung cấp cho lập trình viên. Cách làm vô cùng đơn giản, chỉ đặt checkpoint tại các vị trí mà ta muốn “quan sát” trạng thái, thực hiện “add watch” các biến muốn theo dõi, sau đó dùng các phím tắt để điều hướng dữ liệu đi qua các function. Dữ liệu trong chương trình sẽ lần lượt hiện ra cho chúng ta xem.

Ví dụ: Tôi đang dùng Python3 để lập trình ứng dụng. Bản thân Python3 cung cấp 1 công cụ để debug trên màn hình commandline là package pdb. Khi dùng IDE để debug, tôi sẽ sử dụng các công cụ sẵn có của VSC, Pycharm,…

E. Enjoy – Enjoy your life

Tận hưởng cuộc sống của mình theo cách làm mình vui.
Để có thể làm việc lâu dài bằng 10 đầu ngón tay thì nên đầu tư một bàn phím cơ xịn sò (cũng nên chú ý đến tiếng động có thể làm ảnh hưởng người xung quanh), một con chuột có độ nhạy cao, pad kê cổ tay khi dùng bàn phím, chuột…
Cũng nên quan tâm đến cái cột sống của mình chút bằng việc đầu tư một cái ghế ngồi êm ái (nếu như công ty cho phép tự trang bị)….
Quan trọng nhất là… hãy tập thể dục đều đặn để có thể sẵn sàng OT sấp mặt và có chế độ ăn uống hợp lý để không bụng phệ.

F. Freelance – Làm thêm một công việc gì đó

Ngoài việc nhận thu nhập chính thức bằng công việc 8h mỗi ngày. Các lập trình viên cũng nên tự kiếm cho mình thêm một vài công việc phụ để gia tăng thu nhập hoặc đơn giản hơn…được làm những thứ mình muốn.

Nếu việc làm thêm đúng sở trường công việc sẽ giúp các bạn tăng nhanh các skill của mình. Với việc làm thêm, đừng đặt nặng việc thu nhập nhận được và cũng đừng đặt nó lên ngang bằng với công việc chính của mình để tránh làm ảnh hưởng đến thu nhập chính hàng tháng.

G. GraphQL – Học các khái niệm về GraphQL

Rest-API đã và đang làm mưa làm gió trong việc trao đổi dữ liệu giữa các side khác nhau. Sau khi Facebook .Inc đưa ra chuẩn mới GraphQL, đã có rất nhiều ứng dụng chuyển sang dùng GraphQL, để không bỏ lỡ các cơ hội cho tương lai thì việc học thêm một công nghệ mới là việc nên làm.

H. Help – Giúp đỡ người khác

“Cho đi để nhận lại”, nguyên lý này chắc các lập trình viên đã xem trên tiktok, facebook nhiều rồi. Ý nghĩa của việc giúp đỡ, tự bản thân chúng ta cũng biết và chắc hẳn là luôn vô tư giúp đỡ mọi người thôi nhỉ vì biết đâu khi chúng ta gặp khó khăn sẽ lại có người giúp đỡ lại chúng ta.


I. IDE – Lựa chọn một công cụ lập trình phù hợp với công việc

IDE là bộ công cụ tích hợp sẵn trình dịch cho từng ngôn ngữ lập trình. Việc sử dụng thuần thục một loại IDE và biết cách sử dụng các IDE khác là việc các lập trình viên nên biết.
Ví dụ: Tôi dùng Python như một ngôn ngữ lập trình chính, IDE yêu thích của tôi là Pycharm, nhưng tôi cũng biết cách sử dụng VSC để lập trình, debug,… giống như dùng Pycharm.
Tương tự khi chuyển qua lập trình bằng Java, tôi sử dụng IntelliJ IDEA nhưng cũng có thể dùng Eclipse,…

Với mỗi IDE, bạn cũng cần biết cách tối ưu nó để có thể phát huy hết sức mạnh của nó, ví dụ như dark theme, vim mode, compare plugin…


J. JavaScript 

Học các kiến thức JavaScript cơ bản và học một framework Javascript lớn

Javascript giờ ở khắp mọi nơi từ front-end cho đến back-end. Việc biết Javascript như một yêu cầu bắt buộc với các lập trình viên, kể cả back-end vì nếu biết JS, back-end developer mới có thể build được demo cho ứng dụng back-end của mình.
Biết JS syntax thôi chưa đủ, để có thể tự tin mang sản phẩm ra giới thiệu, có lẽ cần phải có một framework để chống lưng. Các lập trình viên nên biết thêm về một trong những JS framework/library lớn như ReactJS, AngularJS, VueJS,…

K. Keep it simple – Giữ mọi thứ đơn giản

Đây là một nguyên tắc sống và làm việc khá thú vị, có thể áp dụng vào công việc của một lập trình viên.
Khi đứng trước một đầu bài lớn hay một công nghệ mới cần chinh phục, đừng vội vã và hoảng sợ rồi phóng đại các khó khăn lên, hãy chia nhỏ nó ra và làm từng phần từng phần nhỏ một. Mọi thứ rồi sẽ được giải quyết xong xuôi.

Tham khảo khóa học lập trình web 6 tháng, đảm bảo 100% công việc đầu ra!

Nguồn: https://codelearn.io/sharing/lap-trinh-vien-tu-a-den-z

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tài liệu + Khóa học lập trình FREE
Tài liệu + Khóa học lập trình FREE

DMCA.com Protection Status