Java – Tương lai và thách thức sắp tới?

1. Tương lai của Java có bị đe doạ?

Với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các ngôn ngữ láng giềng, Java dần đánh mất đi vị thế vốn có của mình, điều này đặt ra dấu chấm hỏi lớn về sự tồn vong của Java trong tương lai, khiến không ít những người yêu thích ngôn ngữ này trở nên hoang mang, lo lắng.

Nhưng hãy phân tích thật kỹ lại mà xem, những an-ti fan của Java đã thổi lên làn sống “giãy chết” cho chính ngôn ngữ này trong nhiều năm liền, nhưng Java vẫn là top các ngôn ngữ được sử dụng hàng đầu, được hầu hết các ông lớn công nghệ như Google, Amazon, Twitter lựa chọn để xây dựng những hệ thống kiên cố. Nên cụm từ “giãy chết” cũng chỉ là trò cười dối trá của phe “thù địch” mà thôi.

Trong vài năm trở lại đây, Java thường xuyên cập nhật để khắc phục những hạn chế – bổ sung thêm các tính năng mới nhằm hướng tới sự toàn diện hơn và cũng là minh chứng cho sự cạnh tranh tồn tại lâu dài. Trong vòng 10 năm, 20 năm nữa Java chắc chắn vẫn sẽ ngự trị trong top các ngôn ngữ lập trình và là nhân tố cốt lõi trong việc xây dựng – phát triển các hệ thống lớn.

2. Có nên học Java ở thời điểm hiện tại?

Mặc cho nhiều ngôn ngữ khác đang làm mình làm mẩy, mặc cho ngôn ngữ “nào đó” được cho là ngắn gọn, đơn giản hơn nhưng Java vẫn là ngôn ngữ đáng để học cho những ai theo đuổi lập trình. Với những tính năng mạnh mẽ – bảo mật và câu lệnh tường minh, dễ nhớ – dễ hiểu, Java thực sự là lựa chọn tuyệt vời cho những ai mới học lập trình hoặc chuyển từ ngôn ngữ khác sang. Ngay từ những ngày đầu được khai sinh, Java đã là thứ ngôn ngữ dễ tiếp cận và dễ bị ghiền như biểu tượng tách café của nó. Với mình, Java chưa bao giờ là một lựa chọn sai lầm, ngay cả khi bắt đầu ở thời điểm hiện tại.

Lượng kiến thức và tài liệu hướng dẫn từ cơ bản đến chuyên sâu về Java rất đa dạng, thậm chí được chia sẻ miễn phí từ những đàn anh đi trước. Bạn sẽ được hỗ trợ và chăm sóc nhiệt tình từ cộng đồng để quá trình thu nhặt kiến thức được đẩy nhanh tiến độ, sớm hoà nhập vào thế giới của những anh lập trình viên thực thụ.

Thực tế nhu cầu tuyển dụng Lập trình viên Java như một cơn sốt, bởi các công ty luôn cần nhân lực Java có kiến thức sâu rộng để vận hành – bảo trì các hệ thống cũng như phát triển các module mới dựa trên kiến trúc Java đã được xây dựng trước đó. Cho nên có thể khẳng định rằng, lập trình viên Java luôn được chào đón để khẳng định giá trị của mình.

3. Cơ hội nghề nghiệp với Java

Để xây dựng những hệ thống tầm cỡ hoặc áp lực về tốc độ xử lý dữ liệu lớn thì Java ăn đứt những đối thủ còn lại.

Phần lớn các công ty sử dụng nhân lực Java cho việc bảo trì – phát triển mới dựa trên nền tảng cũ nên đòi hỏi kiến thức khá cao khiến nhiều lập trình viên Java chưa thể đáp ứng được. Con đường dành cho những tín đồ Java hiện tại là apply vào những công ty nhỏ hoặc vừa tầm để học hỏi, nâng cao kinh nghiệm. Đến một mức độ nào đó, như Senior chẳng hạn – thoải mái mà tung cánh tìm bến đỗ mới cho ước mơ của mình.

Java hỗ trợ rất nhiều thư viện/Framework để làm việc với BigData, AI hay Machine Learning/Deep Learning, nghĩa là với Java bạn hoàn toàn có thể trở thành một nhà nghiên cứu, nhà phát triển dữ liệu hoặc kỹ sư AI để đón đầu xu thế mà vẫn giành được tình yêu cho ngôn ngữ của mình.

4. Học Java như thế nào cho hiệu quả?

Để học tốt một ngôn ngữ nào đó, không riêng gì Java – bạn phải vừa học vừa cập nhật kiến thức liên tục để không lỗi thời và bị đào thải. Với Java, bạn cần nắm vững các kiến thức nền, những gì là cốt lõi nhất phải nắm trong lòng bàn tay. Cụ thể sau đây là lộ trình mà mình đã – đang áp dụng và cảm thấy rất chi là ưng ý, bạn hoàn toàn có thể tham khảo để xây dựng lộ trình riêng cho mình.

  • Java cơ bản: đây được xem như là mức độ nhập môn, tuy nhiên nó rất quan trọng vì là nền tảng nên bạn cần nắm chắc được các kiến thức về toán tử, kiểu dữ liệu, biến, vòng lặp,… Đây là giai đoạn khởi đầu mang bạn đến với thế giới lập trình của Java.
  • Hướng đối tượng: là đặc trưng cốt lõi của Java, không một Java developer nào mà không biết cả. Bạn sẽ tìm hiểu về lớp, đối tượng và các đặc trưng cơ bản như kế thừa, đa hình, bao đóng và trừu tượng. Đây là phần kiến thức bắt buộc vì Java làm việc dựa trên đối tượng và mọi thứ trong Java cũng đều được xem là đối tượng.
  • Cấu trúc dữ liệu và giải thuật: đã bao giờ bạn thấy code mình thực thi chậm hay khó khăn khi phải thao tác nhiều với dữ liệu không? Chắc chắn là có rồi, nhưng nếu có kiến thức về phần này, bạn không những xử lý mọi chuyện dễ dàng hơn mà còn có thể tính toán để giảm được độ phức tạp của chương trình – nâng cao hiệu suất và tốc độ thực thi. Bên cạnh đó, việc sở hữu cho mình kiến thức về thuật toán cũng là một lợi thế lớn, khi những sắp xếp, tìm kiếm, tìm đường đi, lập trình động hay phân tích liên kết, … chính là công cụ làm nên sự khác biệt về đẳng cấp.
  • Cơ sở dữ liệu: một số cơ sở dữ liệu phổ biến hiện này bạn có thể tham khảo và tìm hiểu qua như: SQL Server, MySQL, Oracle, MongoDB, PostgreSQL, … Cơ sở dữ liệu là thành phần không thể thiếu trong các dữ án thực tế, mang tính quyết định cho sự sống còn. Nên mỗi lập trình viên, cần sở hữu cho mình một mức độ hiểu biết nhất định để có thể làm việc với các hệ quản trị này.
  • Framework/Library: khi đã trải qua quá trình rèn luyện căn bản, khi thấy mình đã hiểu rõ bản chất và logic của kiến thức nền tảng, bạn phải nâng cao thêm trình độ của mình để đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ở mức độ này, bạn hãy chọn cho mình một Framework hay thư viện phù hợp để học tập thêm. Một số gợi ý đáng quan tâm như: JSP – Servlet, Spring, Hibernate, Struts, Swing, …

Sau khi nắm vững về một Framework/thư viện nào đó, bạn có thể tự tin apply vào các công ty để va chạm thực tế và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Từ đây, hành trình trở thành Java developer của bạn có thể sẽ lật sang một trang mới.

Java có thể học trên trường-lớp, tự học – nghiên cứu qua sách hay internet hoặc học online trả phí hoặc kết hợp tất cả các phương pháp trên. Nhưng học là chuyện lâu dài, không vội vàng trong một sớm một chiều được, cần có lộ trình và kế hoạch cụ thể. Việc học kết hợp với chia sẻ và giúp đỡ người khác cùng tiến bộ ắt sẽ mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng, vừa giúp người – giúp mình, vừa mở rộng được các mối quan hệ xã hội.

Kết luận

Tương lai ngành lập trình chắc chắn còn nhiều sự đổi và chuyển hoá, nhưng vị thế của một ngôn ngữ lớn như Java khó bị đánh bật được. Java đang tích cực chuyển mình theo thời cuộc và cũng là khởi đầu cho một dự báo về quá trình cạnh tranh khốc liệt trong thời gian sắp tới. Lập trình viên Java và những ai yêu mến ngôn ngữ này không những không cần phải lo lắng mà còn có thể lạc quan mơ về một tương lai tốt đẹp, thịnh vượng bên chính ngôn ngữ con cưng của mình.

Tham khảo khóa học lập trình web 6 tháng, đảm bảo 100% công việc đầu ra!

Nguồn: https://viblo.asia/p/java-tuong-lai-va-thach-thuc-1VgZvPnr5Aw

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published.